Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Về miền Cát Ngạn

Dân ta xưa nay vẫn nói: Trai Cát Ngạn, Gái Đô Lương.


Sông Lam


Chỉ một con sông Lam ngăn cách giữa hai miền Thanh Chương, Đô Lương: bên ni là núi Già với ngôi đền Thánh giáng, bên kia là Cát Ngạn với ngôi đền Trúc linh thiêng, bãi ngô xanh mướt một màu với tiếng chuông nhà thờ xứ Bột Đà. Mùa hè, dọc bờ sông rộn rã tiếng chim. 

Mảnh đất Cát Ngạn (Thanh Chương) còn gắn với họ ta với một câu chuyện bi thương cách đây hơn 200 năm rồi.

Họ ta khi ấy neo người lắm, trải qua mấy trăm năm vẫn cứ mãi độc đinh. Đến đời ông tổ Nguyễn Hữu Thoại có con trai là Nguyễn Hữu Thành khi đã ngoài 40 tuổi. Em gái của tổ Thoại tên là Nguyễn Thị Thanh. Tổ ta có đi thọ giáo với thầy đồ bên kia sông, ở Cát Văn bây giờ.

Không rõ chuyện thi cử của tổ như thế nào, nhưng lễ nghĩa sư môn nên các ngày lễ tổ Thoại ta vẫn đi đò qua sông, sang Cát Văn. 

Ngày rằm tháng Tám (khoảng năm 1785), nhân lễ Trung Thu, tổ lại đi đò sang Cát Văn, nhưng khi về qua đò chẳng may đò lật, tổ ta mệnh đoản, mất đi khi con trai mới 5, 6 tuổi, nhà lại neo người.

Tổ mất, tổ bà tái giá sang họ Nguyễn Văn bên cạnh (họ ta và họ Nguyễn Văn của bác Phan ở một chi nào đó chắc chắn là chung huyết thống - cùng mẹ khác cha), từ đó mới có chuyện tổ cô Nguyễn Thị Thanh về nuôi cháu, đọc lại cho cháu chép gia phả dòng họ...

Tương truyền rằng khi ấy neo người, dân Cát Văn chôn cất tổ ta ở bên sông, sau này vẫn còn mộ, là một cái gò lớn, không ai dám bước qua cũng như trồng trọt gì.

Khi nhỏ, tôi có hỏi bà tôi về mộ tổ, bà nói sau này có chuyển về Lạc Sơn, nhưng bà là dâu cũng nghe kể lại nên cũng không biết thực hư.

Tôi cũng nghe dượng tôi, vốn là dân Cát Văn nói khi dượng còn nhỏ vẫn còn nghe nói mộ. 

Sau này, có một số người tôi quen, họ kể rằng có dạo chính quyền đổi tuyến đường xuống bến đò Già, tuyến đi qua ngôi mộ nhưng rồi không ai dám đi, ngôi mộ vẫn nguyên ở đó.

Tôi định một ngày nào đo về Cát Văn, tìm các cụ cao niên để hỏi. Định là thế nhưng chưa làm được, mà người già thì cứ ra đi theo năm tháng.

Tôi hi vọng, nếu như mộ của tổ ta vẫn đang còn bên Cát Ngạn, con cháu sẽ xây cất lại, cho đỡ tủi người đã khuất. Hoặc nếu các bậc tiền nhân đã đưa di cốt về (nay vẫn có mộ ở nghĩa trang họ nhưng tôi nghe nói là mộ gió) thì đó là điều quý báu.

Vinh thành, tiết Xuân, Quý Tỵ niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét