Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Ông Nguyễn Duy Mân với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Ông Nguyễn Duy Mân, sinh năm 1908 tại thôn Trù Phúc, xã Thuận Lạc, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Duy Huệ (cố đồ Song) – là một người thông thạo chữ Hán, thân mẫu là Nguyễn Thị Cầu, người Hội Tâm, nay là xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Thuở nhỏ ông được gia đình nuôi dưỡng, cho ăn học đầy đủ, lớn lên cho thành thân với bà người họ Nguyễn Sỹ, tên Nguyễn Thi Tao tại thôn Đa Văn, nay là xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương.
         Một số đóng góp của Nguyễn Duy Mân với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 như sau:
Tháng 9/1929 Ông Nguyễn Phong Sắc, ủy viên Trung ương của Đông dương cộng sản Đảng phụ trách Trung Kì về Anh Sơn triệu tập hội nghị thành lập chi bộ Đông dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Dương Xuân gồm có 7 người: Bùi Thừa, Hoàng Khắc Đại, Phan Hoàng Tiêm, Phan Thái Ất, Hồ Sĩ Viện, Nguyễn Hữu Đức, Trần Hữu Thiều. Sau khi thành lập ông Phan Thái Ất được cử làm bí thư chi bộ.
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ (Ở Đa Văn- Xuân Sơn) một trong những nơi thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Anh Sơn (Tháng 9/1929).
Cuối tháng 3/1930, Phủ ủy Anh Sơn được thành lập. Trong một thời gian ngắn phủ ủy đã thành lập các ban chấp hành liên chi ở các tổng:
+Tổng Đô Lương do ông Hoàng Trần Liễn (Đặng Sơn) làm bí thư.
+ Tổng Đặng Sơn do ông Nguyễn Văn Tuy làm bí thư.
+ Tổng Thuần Trung do ông Nguyễn Duy Mân (Lạc Sơn) làm bí thư.
+ Tổng Bạch Hà do ông Nguyễn Công Vỹ (Thái Sơn) làm bí thư.
Từ đó phong trào cách mạng ở Đô Lương phát triển mạnh mẽ.
Một số phong trào nổi bật ở thời kì này tại Đô Lương như sau:
+Ngày 1/6/1930 từng đoàn người ở các làng Văn Khuê, Đào Mỹ sang hợp với đoàn từ Cự Đại, Lưu Mĩ lên thành dòng người đông nghịt kéo về Lễ Nghĩa rồi tập trung về truông Cồn Đọi (Đà Sơn), tập kết kéo về phủ đường.
+ Ngày 8/9/1930 nhân dân các tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Đặng Sơn biểu tình ở Truông Cồn Đọi. Ông Nguyễn Duy Mân là người tổ chức cho nhân dân biểu tình thị uy. Thực dân Pháp hoảng sợ gọi máy bay tới ném bom làm 7 người bị chết và nghiều người bị thương. Máy bay tiếp tục bay về vùng Bạch Ngọc ném bom xuống đoàn biểu tình đang tập trung ở Hói Quai, làm 2 người bị chết, một số bị thương.
Đình Lương Sơn, di tích lịch sử - Văn hóa (xã Bắc Sơn) nơi kẻ thù xử bắn 7 chiến sĩ Xô Viết ngày 25 và 28/4/1931.
Mùa thu năm 1930, phủ uỷ Anh Sơn cử Nguyễn Duy Mân, Tôn Thị Quế và Nguyễn Văn Tràng bắt liên lạc với nhóm thanh niên của Nguyễn Đăng Tợi (ở Văn Tràng) trở thành nơi liên lạc, hội họp của phủ uỷ.
Ngày 5-11-1930, tại chùa Thẻ Cách, xứ Trại Đền, ông Nguyễn Duy Mân thay mặt phủ uỷ Anh Sơn đọc quyết định thành lập chi bộ Đảng cộng sản xã Văn Tràng, chi bộ có 9 người do ông Nguyễn Đăng Tợi làm bí thư.
Giữa năm 1931, phong trào xô viết bị khủng bố dữ dội, Nguyễn Duy Mân bị bắt và giam trong nhà tù đế quốc.
Sau đó ông được trả tự do, nhưng lại mắc bệnh lao, sức khoẻ giảm nhưng ông vẫn cống hiến sức lực cho công cuộc cách mạng của dân tộc.
Ông mất vào tháng 9 năm Kỷ Sửu (1949).
Năm 2001, Ông Nguyễn Duy Mân được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thưởng Huân chương Độc lập – hạng 3 vì những đóng góp cho cách mạng Việt Nam.
Một số hiện vật ông dùng trong thời kì tham gia Phủ uỷ Anh Sơn của Nguyễn Duy Mân đã được Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sưu tầm và trưng bày.

Khung cảnh xưa (1)



Đây là khung cảnh xưa trước nhà thờ họ trưởng phái tại thôn Trù Phúc. Nay cũng do con cháu xây chắn bằng toà ngang dãy dọc. Tổ tiên chắc cũng mừng cho con cháu đã làm ăn nên nổi nhưng chắc không khỏi đau lòng vì một không gian thoáng đẹp, nhìn xuống nghĩa trang dòng họ nay bị chắn lại, tiếc thay!

Câu đối cúng tổ tại nhà thờ trưởng phái


Câu đối được treo tại nhà thờ trưởng phái, thôn Trù Phúc, xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; do hậu duệ của dòng họ là cháu Nguyễn Hữu Đăng cúng tiến, ghi nhớ công ân của đức thuỷ tổ Ông Thiên, bà Thu. Nội dung câu đối là:

CÔNG TỀ HỒNG NHẠC THIÊN PHONG TRĨ
KHÁNH CỘNG LAM GIANG NHẤT ĐỚI LƯU

Có nghĩa là: Công (của Thuỷ tổ Ông Thiên bà Thu) như nghìn ngọn núi Hồng; Phúc để lại cho con cháu mãi lưu truyền như một dòng sông Lam.
Hai dòng lạc khoản là:
"Việt Nam quốc đệ lục thập ngũ xuân - Kỹ sư Nguyễn Hữu Đăng", và
"Phụng Nguyễn tộc thuỷ tổ Ông Thiên bà Thu".
Đây là đôi câu đối ghi nhớ công ơn của Thuỷ tổ họ ta, thầm cám ơn ông Thiên bà Thu đã đến khai sáng mảnh đất này, gây dựng cơ ngơi cho con cháu họ Nguyễn muôn đời về sau và được treo trang trọng tại thượng đường của dòng họ.


Đôi điều về bức đại tự tại nhà thờ trưởng phái, thôn Trù Phúc



Tại Nhà thờ trưởng phái tại thôn Trù Phúc, xã Lạc Sơn (được xây dựng từ năm 1903) có một bức đại tự cổ, được khắc vào những năm đầu thế kỉ XX có nội dung là: "ĐỨC DUY HINH". Theo thiển ý người viết, có thể bức đại tự này do cố Nguyễn Duy Quỹ cùng anh em là Nguyễn Duy Huệ (cố đồ Song - là người hay chữ), Nguyễn Hữu Văn... làm nên.
Nội dung của đại tự có nghĩa là: Chỉ có đức mới toả ngát hương. Nguyên bản câu này được trích trong sách xưa: "Đức giả bản, đức duy hinh", nghĩa là: Đức là gốc, chỉ có đức mới ngát hương. Đây cũng là một câu hoành phi thường được treo trong các gia đình hay nhà thờ họ. Nó phổ biến vì có nội dung vô cùng ý nghĩa.
Đức là cái bao trùm, đức của đấng nam nhi có "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" (thường gọi là ngũ thường), đức của phụ nữ là "Công, Dung, Ngôn, Hạnh".
Một trong 8 bài nhã nhạc khi tế đền Nam Giao triều Nguyễn có đoạn nhạc:
Long nghi cáo bị
Nhạc chương đại thần
Tư văn dĩ phước
Minh đức duy hinh 
 Như vậy, người xưa xem rằng: văn là cái phước, đức là cái ngát hương, đức là một khái niệm bao trùm lên mọi chuyện, đối với nữ nhi phải thuận tam tòng, tứ đức, đức là công, dung, ngôn, hạnh. 
Sách xưa cũng viết rằng:
Đức trọng, nhân trường thọ
Tâm khoan, phúc tự lai
Con người có đức thì luôn vui vẻ giữa đời là vậy. Có đức thì thêm tuổi thọ, được kính yêu.
Nhiều họ cũng thờ đôi câu đối như thế này: 
仁 義 肇 培 源 也 遠  
箕 裘 垂 裕 德 惟 馨  
Nhân nghĩa triệu bồi nguyên dã viễn 
Cơ cừu thùy dụ đức duy hinh
Chữ "ĐỨC" ngày xưa đến nay luôn được coi trọng. Chính vì lẽ đó mà các bậc tổ tiên của chúng ta đã sống có đức và mong cho vạn đại cháu con Nguyễn tộc đều toả "Đức" ngát ra. 
Trong thời đại mới, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: "Người có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

Những luận điểm chứng minh nguồn gốc họ Nguyễn Duy Lạc Sơn không phải từ Văn Thành, Yên Thành


Nếu chúng ta nói rằng Thuận Lạc có nguồn gốc chỉ mới khoảng dưới 300 năm là không thể. Từ những đơn vị quần cư nhỏ lẻ của những người khai phá đến những thôn, ấp, làng và hình thành nên tổng là một quá trình lâu dài. Theo “Hương ước Nghệ An” (Ninh Viết Giao), người viết thấy rằng có những thôn, làng đến đầu thế kỉ XX mà vẫn chưa được nhà nước phong kiến đương thời công nhận, nghĩa là vẫn chưa có đồng triện riêng, chỉ mới có một người chăm lo việc làng mà thôi. Lịch sử của làng là lịch sử của những dòng họ. Rất tiếc là chúng ta đã để mất đi đình Thuận Lạc, để mất đi những sắc phong thần của triều đình. Vì có thể, qua những di tích còn sót lại ấy, chúng ta có thể tìm ra được những chứng tích, dù mù mờ nhưng vẫn đáng tin hơn là ngồi phỏng đoán.


Chúng ta cũng không thể vì những mục đích không tốt, vì những hư danh mà có thể gán ghép lịch sử được.


Theo bản gia phả mà bác Nguyễn Duy Tiếu biên soạn vào năm 2001 mà người viết có được, thì đến nay họ ta đã có 14 đời đến đời người viết. Đời 15 là các cháu Duy Hương, Duy Nam, Duy Dũng... con bác Tiếu và chuẩn bị có đời 16.


Thuỷ tổ họ ta – trong gia phả ghi là Nguyễn Quý Công – cho đến đời đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa là hậu duệ thứ 8 khi viết lại gia phả không biết được nên đành ghi là “ông Thiên – bà Thu” theo lời kể của bà tổ cô Nguyễn Thị Thanh.


Sau này, quá trình đi tìm lại họ đã nhận họ Nguyễn Duy tại làng Yên Phú, Văn Thành, Yên Thành, một số người đã “cố tình” gán ghép cho Đức Thuỷ Tổ của chúng ta một cái tên mới - Nguyễn Văn Đương.


Xin được điểm qua phả hệ của họ Nguyễn Duy (làng Yên Phú, Văn Thành, Yên Thành): Theo như gia phả của họ Nguyễn Duy Văn Thành thì:


Đời thứ Nhất: Viễn tổ tướng công Nguyễn Quang Thiện. Sinh năm Ất Sửu (1625), người Thịnh Mỹ, Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Thi Hương đình đỗ giải nguyên. Năm 40 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị 2 (1664), Ông làm quan đến chức giám sát ngự sử, sau làm Thừa chính sứ Nghệ An. Sinh một con trai là Nguyễn Hữu Chiêm (ghi lại theo văn bia trong nhà thờ họ Nguyễn Duy xã Văn Thành, có thể tham khảo trong cuốn Văn bia Nghệ An của PGS Ninh Viết Giao, NXB Nghệ An ấn hành năm 2000).


Trong Văn bia tại Văn miếu - Quốc tử Giám (Hà Nội), Nguyễn Quang Thiện được ghi là có quê ở Triều Khẩu, Hưng Nguyên. Vậy không rõ vì lí do gì mà ông di chuyển từ Thọ Xuân, Thanh Hoá về Nghệ An và ông là người chuyển đi hay chuyển đi từ đời trước đó. Thiển nghĩ, Nguyễn Quang Thiện phải là người được sinh ra, hay đúng hơn là cha của Nguyễn Quang Thiện phải được vào sổ làng ở Triều Khẩu, cho nên khi lai kinh ứng thí phải ghi quê là ở Triều Khẩu, Hưng Nguyên. Vấn đề gốc tích của Nguyễn Quang Thiện là chuyện của họ Nguyễn Duy Văn Thành, tôi không dám bàn thêm.


Đời thứ Hai: Nguyễn Hữu Chiêm


Ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Sinh một con trai là Thành Sơn Bá - Nguyễn Lương Thiện.


Đời thứ Ba: Thành Sơn Bá - tự Lương Thiện.

Sinh 3 con: Nguyễn Hữu Xương, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Hữu Vượng


Đây chính là giai đoạn tạo lập họ Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Hữu Xương là con trai cả của Thành Sơn Bá, ở lại quê Hưng Nguyên, con trai thứ 2 là Nguyễn Văn Thịnh (thuỷ tổ họ Nguyễn Văn Thành) đến lập nghiệp ở Văn Thành, Yên Thành ngày nay. Con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Vượng, sinh năm Canh Dần, đỗ Cử nhân, di cư đến thôn Đại Độ, xã Đô Thành, Yên Thành.


Đời thứ Tư (đời thứ Nhất phái Nguyễn Duy Văn Thành)


Nguyễn Văn Thịnh – có công khai khẩn đất đai, lập làng nên được Thành Thái sắc phong: “Bản cảnh Thành hoàng, yên thổ phú dân, trung lương thịnh đức, dực bảo trung hưng, linh phù chi thần”, Khải Định (1924) gia phong: “Đôn nghi chi thần”, sinh được 3 con trai là:

-         Nguyễn Văn (Trung), đến vùng Kẻ Trang, nay là Tân Xuân, Tân Kì, Nghệ An.

-         Nguyễn Duy Nộ: ở lại Văn Thành

-         Nguyễn Văn Đương

Đời thứ Năm:

1.     Nguyễn Văn (Trung), đến vùng Kẻ Trang, nay là Tân Xuân, Tân Kì, Nghệ An.

2.     Nguyễn Duy Nộ - Nhã lượng phủ quân, sinh giờ Sửu, ngày 21 tháng 11 năm Đinh Mão (1667), ở Yên Phú, Văn Thành. Có 2 con trai là Nguyễn Duy Phùng, Nguyễn Duy Bản. Mất năm Nhâm thân 1752, thọ 66 tuổi.

3.     Nguyễn Văn Đương, trong gia phả họ Nguyễn Văn Thành được ghi là đến vùng Truông Cồn Đọi, được nhận là thuỷ tổ phái Nguyễn Thuận Lạc.

Tôi xin có đôi lời mạn đàm về cách chép gia phổ của họ Nguyễn Văn Thành và của bác Nguyễn Duy Tiếu làm tôi có nhiều hoài nghi về tính chân thực của nó:

Thứ nhất, ông Viễn tổ của họ Nguyễn Duy Văn Thành là Nguyễn Quang Thiện, đây là một nhân vật lịch sử, tên được ghi trong bia đá bảng vàng của khoa cử ngày xưa, làm đến Thừa chính sứ Nghệ An, được chép trong “Các nhà khoa bảng Việt nam” và tài liệu của Ban Quản lý di tích Văn Miếu - Quốc tử Giám (Hà nội) thì Nguyễn Quang Thiện thi đậu Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Cảnh trị 2 (1664), lúc ông 40 tuổi. Như vậy điều này phù hợp với những gì tôi đã trích dẫn ở trên. Nguyễn Quang Thiện xin được khẳng định là sinh năm 1625, đỗ Tiến sĩ năm 1664, triều Cảnh Trị vua Lê Huyền Tông. Trong khi đó, theo gia phả họ Nguyễn Duy Văn Thành thì đến đời thứ 5 tính từ Nguyễn Quang Thịên, tức là đời thứ 2 tại Văn Thành, Nguyễn Duy Nộ (con trai thứ 2 của Nguyễn Văn Thịnh) được chép trong gia phả của họ Nguyễn Văn Thành là sinh năm 1687, mất 1752, thọ 66 tuổi.

Như vậy xin hỏi từ Nguyễn Quang Thiện đến Nguyễn Duy Nộ có phải qua 5 đời mà chỉ có 52 năm (1625 – 1687), đây là một nghi ngờ lớn của tôi mà hi vọng được các bậc cao niên ở Văn Thành giải đáp. Nếu như không có một lời giải thích cụ thể thì tôi có thể hoài nghi về nguồn gốc của họ Nguyễn Duy Văn Thành có phải xuất phát từ Nguyễn Quang Thiện hay không? Chưa có một công trình khảo cứu nào cho thấy ngày xưa nam thiếu niên đến mấy tuổi thì dậy thì và mấy tuổi thì có khả năng sinh dục, lấy vợ và đẻ con, nhưng theo cái kiểu qua 5 đời mà chỉ có hơn 50 năm, nghĩa là mỗi đời chỉ cách nhau 14 năm thì cái kinh nghiệm của các cụ ngày xưa: “Nữ thập tam, nam thập lục” không còn chính xác. Có thể vì các cụ đời trước kén vợ cho con từ rất sớm nên thành thục về chuyện gối chăn quá sớm, để 14 tuổi đã có khả năng sinh con đều đều như thế. Và khi đó, Nguyễn Quang Thiện mới 40 tuổi mà đã có chắt gọi bằng Cố, có thể đây là phúc của ông Tiến sĩ mà chúng ta giờ mới phát hiện. Tôi đã trao đổi điều này với ông Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Trí Tuệ thì được biết các ông ấy cũng rất ghi nhận điều này, sau khi có sự phản biện này, họ cũng đã sửa lại cách làm gia phả. Có thể liên hệ ông Nguyễn Văn Mậu (04.33546229) hoặc Nguyễn Trí Tuệ (ở khối 7, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, điện thoại 0903453567).

Hơn nữa, theo gia phả của họ Nguyễn - Văn Thành, em trai của Nguyễn Văn Thịnh là Nguyễn Hữu Vượng (đên ở Đô Thành, Yên Thành), sinh năm Canh dần (1650), nghĩa là thua Nguyễn Quang Thiện, là Cố nội của mình (sinh năm 1625) có 25 tuổi, có nghĩa là không phải Nguyễn Quang Thiện ngoài 40 đã có chắt mà mới 25 tuổi đã được lên chức Cố. Cũng có nghĩa là Nguyễn Quang Thiện hay Nguyễn Hữu Chiên hay Nguyễn Lương Thiện (Thành Sơn Bá) có con lúc 10 tuổi hay ít hơn nữa (4 đời mà chỉ có 25 năm mà), đây có thể là một công trình cho các nhà khoa học về sức khoẻ nghiên cứu, bởi vì mặc dù có con từ rất sớm nhưng những đứa trẻ sinh ra đều có những chiến công, thành tích sau này cả, như Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Duy Nộ…

Sơ đồ phát tích họ Nguyễn Duy Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An (nguồn: Nguyễn Duy Phổ, trưởng tộc)

Thứ 2, nếu như chúng ta cứ nhận họ Nguyễn Duy ở Thuận Lạc có ông thuỷ tổ là Nguyễn Văn Đương. Như vậy là chúng ta thừa nhận có ông Viễn tổ Nguyễn Quang Thiện đậu Tiến sĩ, có anh trai của Thuỷ tổ Nguyễn Văn Đương là Nguyễn Duy Nộ vô cùng giàu có ở đất Đông Thành.

Theo gia phả họ ta chép lại từ họ Nguyễn Duy Văn Thành: “Nguyễn Văn Đương đến vùng Truông Cồn Đọi, lập nghiệp. Sinh con là tri sự Nguyễn Thoan, Nguyễn Thoan sinh Nguyễn Thế Danh và Nguyễn Thế Đức”. Tuy nhiên trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Mậu, ông cho biết gia phả Nguyễn Duy ở Văn Thành không có đoạn nói ông NGuyễn Văn Đương đến Truông Cồn đọi mà chỉ nói Nguyễn Văn Đương sinh Nguyễn Thoan, Nguyễn Thoan sinh Nguyễn Thế Danh, Nguyễn Thế Đức.

Bởi vì chúng ta đã nhận Nguyễn Văn Đương là thuỷ tổ, nghĩa là “Ông Thiên – Bà Thu” trong gia phổ mà Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa chép lại theo lời của Tổ cô Nguyễn Thị Thanh có tên là Nguyễn Văn Đương. Nguyễn Văn Đương sinh một con trai là Nguyễn Thoan, ghép vào họ ta là Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Thoan sinh 2 trai ghép vào họ ta là Nguyễn Hữu Nham và cụ thân sinh ra Đức tổ Nguyễn Hữu Hường.

Chưa bàn luận đến việc “gán” tên như vậy có đúng hay không mà xin nói lại về niên đại.
Theo gia phả họ ta, Đức Thuỷ tổ không rõ tên, không rõ năm sinh, mất, được ghi trong gia phả là “Ông Thiên – Bà Thu” sinh ra con trai là Nguyễn Hữu Thiện.

Đức tổ Nguyễn Hữu Thiện sinh con trai là Nguyễn Hữu Nham.

Đức tổ Nguyễn Hữu Nham sinh con trai là Nguyễn Hữu Thọ.

Đức tổ Nguyễn Hữu Thọ có 2 con trai là Nguyễn Hữu Hân và Nguyễn Hữu Hợi. Đức tổ Nguyễn Hữu Hợi đên làng cồn Khỉ (Khải Sơn) lập đệ nhị phái họ Nguyễn chúng ta.

Đức tổ Nguyễn Hữu Hân có con trai là Nguyễn Hữu Dương.

Đức tổ Nguyễn Hữu Dương có con trai là Nguyễn Hữu Thành.

Đức tổ Nguyễn Hữu Thành có con trai là Nguyễn Hữu Nghĩa.

Sơ đồ phát tích họ Nguyễn Duy, Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An
Đến đời đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa mới là giai đoạn phát triển cực thịnh của họ ta. Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm Tân Sửu (1781), mất ngày 13 tháng 10 năm Nhâm Tý (1852), thọ 72 tuổi, Tổ mẫu là Nguyễn Thị Nhân, sinh năm Tân hợi (1791), mất năm Canh Tuất (1850) thọ 60 tuổi. Đay là những gì được ghi trong chính phả của họ ta. Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa sinh được 9 người con, có 5 con trai:

-         Nguyễn Hữu Lễ (Nguyễn Duy Chỉ): sinh năm Canh Ngọ (1810), mất giờ ngọ ngày 27 tháng 12 năm Tân Tỵ (1881), thọ 72 tuổi.

-         Nguyễn Hữu Đởn (Nguyễn Duy Đoan)

-         Nguyễn Hữu Nhỡn (Nguyễn Duy Năng)

-         Nguyễn Hữu Giá

-         Nguyễn Hữu Giảng.

Từ ông Thuỷ tổ (tạm chấp nhận là Nguyễn Văn Đương) đến Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa là 8 đời. Khi chấp nhận như thế, từ ông Nguyễn Quang Thiện đến Nguyễn Hữu Nghĩa là 12 đời.
Cứ lấy ra 3 mốc thời gian quan trọng đó là:

Nguyễn Quang Thiện, sinh năm 1625.

Nguyễn Duy Nộ, sinh năm 1687, Nguyễn Duy Nộ là anh trai của Nguyễn Văn Đương nên tôi phỏng đoán Nguyễn Văn Đương sinh năm 1690 (giả sử Nguyễn Văn Đương không phải là con chính thất, sinh trước Nguyễn Duy Nộ mà phải làm em thì ông này cũng chỉ có thể sinh trong khoảng 1680 đến 1687 mà thôi).

Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa, là tổ đời thứ 8 của họ, tính từ Thuỷ tổ, sinh năm 1781.

Như vậy, nếu thừa nhận Nguyễn Văn Đương là thuỷ tổ họ ta, đến Nguyễn Hữu Nghĩa là 8 đời thì qua 8 đời chỉ mất có hơn 90 năm, cụ thể là 91 năm (1690 – 1781), như vậy mỗi đời cách nhau cũng chỉ hơn 13 năm mà thôi. Câu hỏi nay tôi cũng đã đọc một số sách Y thuật nhưng cũng chưa có lời giải đáp. Còn nếu tính từ Nguyễn Quang Thiện đến đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa, qua 12 đời trải hết 156 năm, tính trung bình mỗi đời cách nhau 14 năm.

Nếu chúng ta công nhận cụ Nguyễn Văn Đương là ông tổ họ Nguyễn Hữu thì thấy rằng: Ông Nguyễn Quang Thiện (sinh năm 1625), là bậc kỵ của cụ Đương, thì cụ Đương phải sinh vào khoảng năm 1730, và đến Truông Cồn Đọi khi đã lập gia đình, nghĩa là đến Truông Cồn Đọi vào cỡ những năm 1760 hoặc sau hơn, nhưng giai đoạn này ở họ ta đã có Tổ Nguyễn Hữu Thoại rồi. Thật vô lý!

Trong khi đó họ ta trải từ đời đức Thuỷ tổ “Ông Thiên – Bà Thu” đên đời đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa trải qua 8 đời hầu như độc đinh. May nhờ ân đức của Tổ tiên với tình yêu thương bao la với cháu của Đức Tổ cô Nguyễn Thị Thanh nên đến đời thứ 8 họ Nguyễn Duy phái Trù Phúc mới có sự phát triển đông đúc. Đọc ở trên chúng ta cũng thấy Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa sinh con trai là Nguyễn Hữu Lễ khi Người 30 tuổi (1781 – 1810).

Nói rằng Nguyễn Văn Đương là Thuỷ tổ họ ta là công nhận họ ta qua 8 đời chỉ có hơn 90 năm, nghĩa là các bậc tiền nhân đáng tôn kính của họ ta đều có con ở độ tuổi 13, 14. Đây là một sự chấp nhận không có khoa học, có thể nói là sự gán ghép bệnh hoạn, là một sự sỉ nhục lớn đối với các bậc tiền nhân mà từ ý nghĩ của một vài người lại gieo rắc cho cả dòng tộc.

Chỉ vì trong gia phả của họ Nguyễn Duy ở Văn Thành có chép là ông Nguyễn Văn Đương của họ ấy đến Truông Cồn Đọi mà nhận là tổ tiên của mình, rồi lại có những hành xử chỉ mang tính chất cá nhân, không đưa ra trước họ đang bàn xét, thiết nghĩ đó là những kết luận vội vã, mang nặng tính cá nhân và nặng về hư danh hơn là có ý nghĩa tìm lại nguồn gốc tổ tiên. Hơn nữa, từ ông Nguyễn Văn Đương có thể không thay đổi sang Nguyễn Duy mà giữ nguyên là Nguyễn Văn thì sao, mặt khác ở vùng Truông Cồn Đọi (có thể cả vùng Đà Sơn và Lạc Sơn) còn có những họ mang tên Nguyễn Hữu và rất nhiều họ khác mang tên là Nguyễn Văn, thế thì cũng có thể họ là hậu duệ của Nguyễn Văn Thịnh lắm chứ. Do vậy, đây là một việc hệ trọng, cần xem xét kĩ càng, kể cả họ Nguyễn Duy ở Văn Thành và Lạc Sơn.

Thiết nghĩ, việc nhận cũng chỉ xuất phát từ cái danh ông Nguyễn Quang Thiện đậu Tiến sĩ  hay danh ông Nguyễn Văn Thịnh là Thuỷ tổ họ Nguyễn Duy Văn Thành được triều đình nhà Nguyễn sắc phong, nhà thờ được đón nhận “Di tích Văn hoá”. Cái danh nếu như đúng thì đáng trân trọng lắm, nhưng chỉ là “hư danh” mà phủ nhận những điều mà tổ tiên mình chưa chấp nhận. Vả lại Yên Phú với Thuận Lạc cách nhau bao xa mà các bậc tiền nhân học rộng như Can Nguyễn Duy Tước, Cố Nguyễn Duy Huệ lại không tìm về mà để lớp hậu sinh “chữ tác thành chữ tộ” phải đi tìm. Đó là chưa nói đến việc gán ghép tên cho các vị tiền nhân là một sự hỗn láo không chấp nhận được, bao đời nay, họ ta vẫn thờ Cụ Nguyễn Hữu Thiện là Nguyễn Hữu Thiện, đã có ai bảo Người là Nguyễn Thoan làm tri sự hay đậu sinh đồ đâu. Có ai nói Đức Tổ Nguyễn Hữu Nham là Nguyễn Thế Danh hay Đức Tổ Nguyễn Hữu Hường có cha là Nguyễn Thế Đức đậu Cử nhân cả. Hơn nữa, nếu Nguyễn Thế Đức đậu Cử nhân ở đất Thuận Lạc thật thì đó là một vinh dự quá lớn. Cố Hàn Đoàn đậu có tú tài mà còn được làng trọng vọng nữa là Cử nhân.

Trong quá trình tìm họ, ông Nguyễn Duy Đạt, một người rất thông thạo chữ Hán và lễ nghĩa cũng có đến Văn Thành, Thanh Chương, Hưng Dũng… tìm họ nhưng chưa bao giờ khẳng định họ ta có nguồn gốc ở Văn Thành cả. Có một số người như ông Nguyễn Duy Hiểu đã viết rằng ông Nguyễn Duy Đạt, ông Cán đã đến Văn Thành nhận họ. Đó là một sự bịa đặt! Xin đừng đem những điều không có gán cho người đã khuất, đó là một tội bất hiếu ở đời.

Xin khẳng định một lần nữa: Họ Nguyễn Duy Thuận Lạc không thể có nguồn gốc ở Yên Phú được. Còn nguồn gốc của chúng ta ở đâu phải thêm thời gian nghiên cứu. Trước hết, anh em trong dòng tộc phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Có nhiều nhà anh em ruột thịt còn tranh giành lẫn nhau, cha mẹ con cái bất hoà thì xây cái nền tảng gia đình hạnh phúc, anh em hoà mục, đồng sức đồng lòng trước đã rồi tính chuyện họ đang sau.


Viết tại Đô Lương, 2009.




Về tên gọi Thuận Lạc - Lạc Sơn

Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác tên Thuận Lạc có từ lúc nào, nhưng theo những cứ liệu chúng tôi có được, thì đến năm Cảnh Thịnh thứ … (1781) đã có tên Tràng Bộc (theo như sắc phong của vua cho Tướng quân Trần Doãn Ngạn ở làng Cảnh Minh).
Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” thì tên Tràng Bộc đã có. Cụ thể: tỉnh Nghệ An chia làm 5 phủ:
A. Phủ Hà Hoa
Có các huyện:
Kỳ Hoa
          Thạch Hà
B. Phủ Đức Quang:
Có các huyện:      
1. Chân Lộc
2. Thiên Lộc
3. Thanh Chương (trước là Thanh Giang nhưng chữ Giang là huý của chúa Trịnh Giang nên được đổi thành Thanh Chương và có đến bây giờ)
4. Hương Sơn
5. La Sơn
6. Nghi Xuân
C. Phủ Anh Đô
gồm có 2 huyện:
1. Huyện Hưng Nguyên
gồm 7 tổng, 86 xã, thôn, phường, vạn, tộc
                   Tổng Phù Long
                   T. Thông Lãng
                   T. Đô An
T. Hoa Viên
                   T. Hải Hộ
                   T. Cảo Trình
                   T. La Hoàng
2. Huyện Nam Đường
Gồm có 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn
1. Tổng Non Liễu: 20 xã, thôn, giáp: Non Liễu, Yên Lạc, Thanh Tuyền, Non Hồ, Vân Đồn, Chung Giáp, Thượng Hồng (thôn)
                   2. Tổng Lâm Thịnh
                   3. Tổng Đại Đồng
                   4. Tổng Hoa Lâm
5. Tổng Đô Lương: 24 xã, thôn, giáp:
- Đô Lương (xã): thôn Cẩm Hoa Thượng, thôn Cẩm Hoa Đông, gi. Nghiêm Thắng, gi. Duyên Quang, thôn Đông Trung, thôn Hoa Viên, thôn Phúc Thị.
- Đại Tuyền (xã): thôn Phúc Thọ, Đông Am, gi. Trung An, thôn An Thành
- Bạch Đường: thôn Nhân Trung, thôn Phúc Tuyền, thôn Phúc An, thôn Nhân Bồi, thôn Miếu Đường.
- Diêm Trường: th An Tứ, Bỉnh Trung, Chấp Trung
- phường Thiên Lý, thôn Vĩnh Trung, ph. Hồng Hoa, vạn Trung Lở (sau đổi là ph. Duy Thanh)
6. Tổng Thuần Trung:
Thuần Trung, Tràng Bộc, Yết Nghi, Phật Kệ (2 thôn Bụt Đà, Phượng Lịch – sau đổi thành Phượng Kỷ do chữ Lịch là huý của vua Hàm Nghi – Ưng Lịch), Sơn La.
7. Tổng Bạch Hà: x. Bạch Hà, Nhân Luật, Lưu Sơn, Thanh Thuỷ, Đào Ngoã.
8. Tổng Lãng Điền: x. Lãng Điền, Mặc Điền, Tào Nguyên, thôn Vạn Hộ, Cấm An, An Lương, vạn Lãng Điền, Mặc Điền, sách Tào Giang.
D. Phủ Diễn Châu
1. Huyện Quỳnh Lưu
                   1. Tổng Hoàn Hậu
                   2. Tổng Thanh Viên
                   3. Tổng Hoàng Mai
                   4. Tổng Quỳnh Lâm
          2. Huyện Đông Thành
                   1. T. Cao Xá
                   2. Vạn Phần
3. Quan Trung
4. Quan Triều
5. Thái Trạch
6. Vân Trụ: có xã An Lăng (thôn Hội Tâm, An Lăng, giáp Thọ Lão, An Lại, Liên Nội, trang Hai Mươi)
7. Hoàng Trường
E. Phủ Trà Lân
          1. Huyện Tương Dương: t Cẩm Dã, Lang bán, Tứ Dương
          2. Vĩnh Hoà: Phi Cốc, Thanh Nhuế, Huyền Lãng
          3. Hội Nguyên: Bàu Lá, Nga My, Bình Chuẩn
          4. Kỳ Sơn: Cổ Khuông, Chiêu Lưu, Nhân Lý, Đỗ Lạng, Hữu Kiệm

Theo "Đồng Khánh địa dư chí" được biên soạn vào triều Đồng Khánh (1885-1889), phần viết về phủ Anh Sơn như sau:

PHỦ ANH SƠN
Phủ Anh Sơn ở phía tây thành tỉnh. Phủ kiêm lí 2 huyện Lương Sơn, Nam Đường, thống hạt 2 huyện: Thanh Chương, Hưng Nguyên, Chân Lộc.
Phủ lị đặt ở thôn Bột Đà, xã Phật Kệ, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn. Bốn mặt đắp thành đất, chu vi 72 trượng (tả, hữu, trước, sau mỗi chiều đều 18 trượng), xung quanh trồng tre gai, hai bên ngoài có hào rộng 1 trượng 5 thước, sâu 3 thước. Thành có 2 cửa: cửa Tiền và cửa Hậu, đều xây gạch.
Phủ hạt phía đông giáp biển cả, phía tây giáp phủ Tương Dương, phía nam giáp Phủ Đức Thọ, phía Bắc giáp hai phủ Quỳ Châu và Diễn Châu.
Đông Tây cách nhau 224 dặm. Năm bắc cách nhau 88 dặm.
Huyện có 2 phủ Lương Sơn và Nam Đường do phủ kiêm lý, gồm 9 tổng:
I-Huyện Lương Sơn:
gồm 5 tổng, 88 xã, thôn, phường:
Dân số các hạng: 6095 người, trong đó binh đinh là 680 người.
Ruộng đất các hạng nộp thuế: 11.605 mẫu, 9 sào, 9 thước, 7 tấc, 3 phân. Trong đó:
- Ruộng công tư các hạng: 8.569 mẫu, 7 sào, 4 thước, 8 tấc.
- Đất công tư các hạng: 3.036 mẫu, 2 sào, 7 thước, 9 tấc, 3 phân.
Thuế cả năm:
- Nộp bằng thóc: 5.578 hộc, 1 thưng, 1 vốc, 3 nắm.
- Nộp bằng tiền: 9.973 quan, 5 tiền, 8 đồng lẻ.
Các tổng:
1. Thuần Trung, gồm 17 xã, thôn:
Thôn: Bột Đà, Phượng Lịch, Thuần Hậu, Đông Bích, Trung Thượng, Mỹ Trung, Tiên Cung, Doanh Châu, Thuận Lý, Phú Văn, Bảo Thiện, Mỹ Ngọc, Lễ Nghĩa, Trung Hậu, Thượng Cát; xã: Sơn La, Trường Mỹ.
2. Tổng Bạch Hà
3. Tổng Đô Lương, gồm 22 thôn: 
Yên Tứ, Bỉnh Trung, Chấp Trung, Trường Thịnh, Cẩm Ngọc, Hương Liên, Đông Trung, Nghiêm Thắng, Phúc Thuỵ, Diên Tiên, Tập Phúc, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung, Phúc Yên, Trạc Thanh, Thanh Đường, Vĩnh Sơn, Phúc Mỹ, Ân Thịnh, Phú Thọ, Yên Thanh, Mỹ Hoà.
4. Tổng Đặng Sơn
5. Tổng Lãng Điền.

II - Huyện Nam Đường, có 4 tổng, 73 xã thôn, phường:
- Tổng Lâm Thịnh
- Tổng Xuân Liễu
- Tổng Xuân Lâm
- Tổng Đại Đồng
3 huyện thống hạt là
- Huyện Thanh Chương
- Huyện Hưng Nguyên
- Huyện Chân Lộc

PHÁT TÍCH ĐẤT THUẬN LẠC
Có thể kết luận tên gọi Lạc Sơn ngày nay là sự biến đổi qua nhiều tên gọi:
Đầu tiên là Tràng Bộc, đây là tên gọi cổ nhất có thể thấy trong các thư tịch của Việt Nam, cho đến đầu thế kỉ XIX, đây đã là một đơn vị cấp xã trong tổng Thuần Trung, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, trấn Nghệ An. Theo người viết, Tràng Bộc lúc ấy bao gồm Cảnh Minh, Trù Phúc, Khải Sơn và có thể cả Trùng Quang, Sơn La (tên theo ngày nay). Vào cuối thế kỉ XIX, thôn Trùng Quang đã có chùa riêng mà đến nay, văn bia xây chùa Trùng Quang (Trùng Quang tự bi ký) đang được đặt tại chùa Phúc Mỹ (chùa Dâu) bên cạnh đền Đức Hoàng thờ Lê Trang Tông (Yên Sơn) do chùa cũ đã bị huỷ hoại.
Như vậy, mảnh đất Lạc Sơn chúng ta ngày nay có lịch sử dài phải trên 400 năm và cho đến giữa thế kỉ XVIII đã xuất hiện những trang hảo hán, những người có công như tướng quân Trần Doãn Ngạn người làng Cảnh Minh và một người mà những câu chuyện vẫn được con cháu kể cho nhau nghe về một người hùng trong họ ta - Đức tổ Nguyễn Hữu Hường. Tuy nhiên, do lịch sử của địa phương luôn gắn liền với những trang sử của mỗi dòng họ, mà qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, những sử liệu như thế nay không còn. Và cũng đáng tiếc là những người làm sử sau này lại vì một chút gì đó mà đánh giá lịch sử không đúng theo phương pháp luận của nó. Trong hệ tư tưởng Mác, người viết cũng mạnh dạn nói rằng, mặc dù  theo chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng phép biện chứng duy vật lịch sử lại không được quan tâm. Lịch sử luôn luôn yêu cầu sự khắt khe của bản thân nó.