Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Vài hình ảnh nhà thờ họ Tết Kỉ Tỵ (2013)


Hạ đường: hoành phi 3 chữ PHÚC MÃN ĐƯỜNG do anh Nguyễn Duy Trình, nghiên cứu sinh tại Trung Hoa cung tiến.

Gian thờ bên phải.

Gian thờ chính.

Gian thờ bên trái.
 
Câu đối 



Linh vị











Người họ Nguyễn với các kì thi Hương triều Nguyễn

Quốc triều hương khoa lục (Nguyễn triều hương khoa lục) của Cao Xuân Dục (1842 - 1923) là quyển sách ghi chép vắn tắt về 47 khoa thi hương ở nước ta thời Nguyễn, trong đó có họ tên và lí lịch trích ngang một cách sơ lược nhất về 5.236 người đậu Cử nhân từ khoa đầu tiên năm 1807 (Gia Long) đến khoa cuối cùng năm 1918 (vua Khải Định).

Trong số các dòng họ có người đậu, những người có họ Nguyễn có tên trong các trường thi Hương từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Gia Định.... có tất cả 1.728 người. Nghĩa là số người họ Nguyễn đậu từ Cử nhân trong các kì thi Hương chiếm đến 33%, đây quả là con số ấn tượng. 

Họ Nguyễn chiếm 40% con dân nước Việt, nhưng cũng ngần ấy số người đỗ đạt, bên cạnh đó là những vị đậu đại khoa, mở đầu bằng trạng nguyên Nguyễn Hiền, cho đến đời nguyễn có những nhân vật, mới chỉ riêng ở Nghệ An đã đậu cao như Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Văn Giao.

Cũng trong số 1.728 người họ Nguyễn, có 63 người mang tên họ Nguyễn Duy, 97 người họ Nguyễn Hữu. Chi tiết cụ thể tôi sẽ đưa lên sau.

Như vậy, có thể nói người họ Nguyễn đã đóng góp một phần lớn vào việc học - thi, cũng như học thuật của cả nước trong giai đoạn triều Nguyễn.

Trường thi Hương

Giám khảo kì thi

Lều chõng

Nghe đọc kết quả kì thi

Xem bảng vàng ở trường thi năm 1897


Vinh thành, ngày cuối tháng 3 năm 2013.

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Những người họ Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu đậu kì thi Hương trường thi Nghệ An thời Nguyễn


Những người họ Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu đậu kì thi Hương trường thị Nghệ An thời Nguyễn:
1. Khoa thi năm Quý Dậu, Gia Long 12 (1813)
Có Nguyễn Duy Phiên, người xã Công Trungk, huyện Đông Thành.
Gia đình có nhiều người thi đậu: Anh Nguyễn Duy Cung, ông nội Nguyễn Duy Đức.
Làm quan đến Đốc học Quảng Nam, bị cách.
2. Khoa thi năm Tân mão, Minh Mạng thứ 12 (1831)
Có Nguyễn Duy Thuật, người xã Đông Tháp, huyện Đông Thành.
3. Khoa năm Giáp Ngọ, Minh Mạng 115 (1834)
Có Nguyễn Hữu Thân (cha con cùng thi đậu)
Người xã Đông Hải, huyện Chân Lộc.
Cha Hoàng giáp Nguyễn Hữu Chính. làm quan đến Tri huyện.
4. Ân khoa Năm Tân Sửu, Thiệu Trị nguyên niên (1841)
Có nguyễn Hữu Lế, người xã Đại Đồng, huyện Nam Đường.
5. Ân khoa năm mậu Thân, Tự Đức nguyên niên (1848)
Nguyễn Duy Tân
Người xã An Ấp, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Làm quan đến Tri huyện.
6. Khoa thi năm Canh Tuất, Tự Đức năm thứ 3 (1850)
- Nguyễn Hữu Lập (cha con, chú cháu cùng thi đậu).
Người xã Trung Cần, Thanh Chương.
Con Nguyễn Trọng Dực, cháu thám hoa Nguyễn Văn Giao, em họ Nguyễn Đức Hậu...
- Nguyễn Hữu Phu, người xã Toàn Lưu, Thạch Hà, làm quan đến Tri huyện.
7. Ân khoa năm Mậu Thìn, Tự Đức 21, 1868
Nguyễn Hữu Lập, sau đổi Nguyễn Nghĩa Lập
Người xã Văn Trường, huyện Quỳnh Lưu.
8. Khoa Nhâm Ngọ, Tự Đức 35 (1882)
Nguyễn Duy Thanh, sau đổi là Nguyễn Duy Hòa
Người xã Hoành sơn, Thanh Chương
Làm quan đến chức Tri phủ.
9. Khoa Mậu Tý, Đồng Khánh năm 3 (1888)
Nguyễn Duy Thúc, người xã Di Luân, tỉnh Nghệ An.
10. Khoa Tân mão, Thành Thái năm 3 (1891)
Nguyễn Hữu Tạo, người xã Đan Nhiễm, Nam Đàn. 

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Về miền Cát Ngạn

Dân ta xưa nay vẫn nói: Trai Cát Ngạn, Gái Đô Lương.


Sông Lam


Chỉ một con sông Lam ngăn cách giữa hai miền Thanh Chương, Đô Lương: bên ni là núi Già với ngôi đền Thánh giáng, bên kia là Cát Ngạn với ngôi đền Trúc linh thiêng, bãi ngô xanh mướt một màu với tiếng chuông nhà thờ xứ Bột Đà. Mùa hè, dọc bờ sông rộn rã tiếng chim. 

Mảnh đất Cát Ngạn (Thanh Chương) còn gắn với họ ta với một câu chuyện bi thương cách đây hơn 200 năm rồi.

Họ ta khi ấy neo người lắm, trải qua mấy trăm năm vẫn cứ mãi độc đinh. Đến đời ông tổ Nguyễn Hữu Thoại có con trai là Nguyễn Hữu Thành khi đã ngoài 40 tuổi. Em gái của tổ Thoại tên là Nguyễn Thị Thanh. Tổ ta có đi thọ giáo với thầy đồ bên kia sông, ở Cát Văn bây giờ.

Không rõ chuyện thi cử của tổ như thế nào, nhưng lễ nghĩa sư môn nên các ngày lễ tổ Thoại ta vẫn đi đò qua sông, sang Cát Văn. 

Ngày rằm tháng Tám (khoảng năm 1785), nhân lễ Trung Thu, tổ lại đi đò sang Cát Văn, nhưng khi về qua đò chẳng may đò lật, tổ ta mệnh đoản, mất đi khi con trai mới 5, 6 tuổi, nhà lại neo người.

Tổ mất, tổ bà tái giá sang họ Nguyễn Văn bên cạnh (họ ta và họ Nguyễn Văn của bác Phan ở một chi nào đó chắc chắn là chung huyết thống - cùng mẹ khác cha), từ đó mới có chuyện tổ cô Nguyễn Thị Thanh về nuôi cháu, đọc lại cho cháu chép gia phả dòng họ...

Tương truyền rằng khi ấy neo người, dân Cát Văn chôn cất tổ ta ở bên sông, sau này vẫn còn mộ, là một cái gò lớn, không ai dám bước qua cũng như trồng trọt gì.

Khi nhỏ, tôi có hỏi bà tôi về mộ tổ, bà nói sau này có chuyển về Lạc Sơn, nhưng bà là dâu cũng nghe kể lại nên cũng không biết thực hư.

Tôi cũng nghe dượng tôi, vốn là dân Cát Văn nói khi dượng còn nhỏ vẫn còn nghe nói mộ. 

Sau này, có một số người tôi quen, họ kể rằng có dạo chính quyền đổi tuyến đường xuống bến đò Già, tuyến đi qua ngôi mộ nhưng rồi không ai dám đi, ngôi mộ vẫn nguyên ở đó.

Tôi định một ngày nào đo về Cát Văn, tìm các cụ cao niên để hỏi. Định là thế nhưng chưa làm được, mà người già thì cứ ra đi theo năm tháng.

Tôi hi vọng, nếu như mộ của tổ ta vẫn đang còn bên Cát Ngạn, con cháu sẽ xây cất lại, cho đỡ tủi người đã khuất. Hoặc nếu các bậc tiền nhân đã đưa di cốt về (nay vẫn có mộ ở nghĩa trang họ nhưng tôi nghe nói là mộ gió) thì đó là điều quý báu.

Vinh thành, tiết Xuân, Quý Tỵ niên

Các họ tên NGUYỄN DUY tỉnh Nghệ An


Tôi sẽ viết bài này, vì công việc quá bận, hơn nữa chưa có thời gian khảo cứu cụ thể, nên sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dần.

Mục đích của tôi khi viết bài này là kết nối các dòng họ Nguyễn Duy của Nghệ An lại (nếu có thể), bằng không cũng là thêm thông tin cho mọi người cùng tham khảo.

Thứ tự tôi xếp theo danh mục các huyện. 

1. Anh Sơn

- Họ Nguyễn Duy ở xã Đức Sơn, có nguồn gốc từ họ Nguyễn Duy xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương. Di dân lên vùng Đức Sơn khoảng nửa cuối thế kỷ XIX.


2. Huyện Con Cuông


3. Huyện Diễn Châu


4. Huyện Đô Lương

- Họ Nguyễn Duy ở xã Lạc Sơn: Gồm có 2 chi trong xã: chi trưởng tại thôn Trù Phúc, chi thứ tại thôn Khải Sơn (chính là dòng họ chủ blog này). Một số nhánh di dân đến các vùng: Thanh Chương, Anh Sơn, hiện nay con cháu ở khắp đất nước và định cư ở nước ngoài như Đức, Nga.

- Họ Nguyễn Duy ở xã Thái Sơn. Có ông Nguyễn Duy Nhu nguyên là Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường. 

- Họ Nguyễn Duy ở xã Nhân Sơn. Có thầy Nguyễn Duy Mai trước làm Hiệu trưởng trường THPT Đô Lương 3, 1. 

- Họ Nguyễn Duy ở xã Nam Sơn.


5. Huyện Hưng Nguyên




6. Huyện Kỳ Sơn

7. Huyện Nam Đàn


8. Huyện Nghi Lộc

- Họ Nguyễn Duy ở xã Nghi Thọ, có ông Nguyễn Duy Trinh là nhà ngoại giao nổi tiếng, làm đến Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Truyền rằng là dòng dõi của Nguyễn Trãi.

- Họ Nguyễn Duy ở xã Nghi Công.


9. Huyện Nghĩa Đàn


10. Huyện Quế Phong


11. Huyện Quỳ Hợp


12. Huyện Quỳnh Lưu

- Họ Nguyễn Duy ở Quỳnh Xuân. Thủy tổ là Nguyễn Phúc Nguyên.

- Họ Nguyễn Duy ở làng Cần (Cờn), xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, sau di cư một phần vào Thừa Thiên Huế (làng Hương Cần, huyện Hương Trà), nay có một số con cháu định cư ở Hoa Kỳ.

13. Huyện Quỳ Châu


14. Huyện Tương Dương


15. Huyện Thanh Chương

- Họ Nguyễn Duy ở Thanh Phong, Thanh Chương, là cơ sở hoạt động của Đảng Cộng sản, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Thông tin ở đây.

- Họ Nguyễn Duy ở Thanh Chi, Thanh Chương.

- Họ Nguyễn Duy ở Thanh Lương, Thanh Chương. Có GS. VS Nguyễn Duy Quý nguyên là Viện trưởng Viện khoa học xã hội Việt Nam.

- Họ Nguyễn Duy ở Cát Văn, Thanh Chương, có thờ một vị tướng quân là Nguyễn Đăng Khiêm.

16. Huyện Tân Kỳ

- Họ Nguyễn Duy ở xứ Kẻ Trang, Tân Xuân, Tân Kỳ. Truyền rằng do ông họ Nguyễn Duy ở Yên Phú, Văn Thành, Yên Thành di dân lên, nay nhập vào dân tộc Thổ.


17. Huyện Yên Thành

- Họ Nguyễn Duy ở Bắc Thành: thủy tổ là Nguyễn Duy Thiện (gốc làng Chi Nê, nay là Thanh Chi, Thanh Chương). Xem thêm thông tin.

- Họ Nguyễn Duy ở Văn Thành, truyền rằng là hậu duệ của Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Nguyễn Quang Thiện (quê ở Triều Khẩu, nay là Hưng Khánh, Hưng Nguyên).




18. Thành phố Vinh


19. Thị xã Thái Hòa

20. Thị xã Cửa Lò


Phụ chú: Họ Nguyễn Duy ở Hà Tĩnh

- Họ Nguyễn Duy ở thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh.
- Họ Nguyễn Duy ở Hương Long, Hương Khê.
- Họ Nguyễn Duy ở Kim Chùy, Tân Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Trong làng này còn có họ Nguyễn Doãn, tương truyền là hậu duệ của Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Nguyễn Quang Thiện, người Triều Khẩu, Hưng Nguyên.
- Họ Nguyễn Duy ở Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Huyện Đô Lương có biểu trưng!

Chào mừng 50 năm ngày thành lập huyện Đô Lương 19/4/1963–19/4/2013, tháng 2/2013 huyện Đô lương đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng.

Sau khi phát động đã có nhiều tác giả tham gia cuộc thi, Huyện Đô lương tổ chức đóng góp ý kiến và lựa chọn biểu trưng huyện Đô Lương. Ngày 5/3/2013 chủ tịch UBND huyện đã phê duyệt biểu trưng huyện Đô Lương của họa sỹ Tạ Quang Tâm. 




Đặc điểm của biểu trưng Đô Lương có đặc điểm: Hình tròn, có 4 màu: đỏ, vàng, xanh, nâu; Khối biểu tượng ở phần màu vàng là bánh xe Công nghiệp; Màu nâu là cuốn sách tượng trưng đất học; phía dưới là đập Ba ra và hai bông lúa hai bên; Chữ Đô Lương màu đỏ nằm sát vòng tròn phía dưới. Ở phần màu đỏ có sao vàng Tổ Quốc nằm phía trên hình chóp, hai bên là hai ngọn núi màu xanh như những cánh buồn vút lên tại nên tượng đài chiến thắng. Đây là biểu trưng chính thức của Huyện Đô Lương.


Theo Hữu Hoàn - Đài TTTH Đô Lương.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Bà cố Tiêu: một bậc kỳ lão hiếm gặp của họ ta

Thể theo ý kiến của một số anh em, hôm nay chúng tôi viết bài giới thiệu về bà cố Tiêu, người đã qua đời hôm mồng 5 Tháng Chạp năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 104 tuổi. Bà cùng với bà cố Địch là những người sống đại thọ ở làng, là những bậc kỳ lão hiếm gặp của họ ta.
Chân dung bà Trương Thị Lan năm 2005


Bà cố Tiêu, tên thật là Trương Thị Lan, sinh năm 1910 tại xã Diêm Trường, sau là xã Văn Trường, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình gia giáo, thân sinh là ông Cửu Trứ (tên thật là Trương Công Chương) từng làm lý trưởng Văn Tràng. Bà là con thứ 5 trong nhà, anh trai có ông Trương Công Khuyến là đảng viên giai đoạn 1930-1931.


Bà được gả cho ông Nguyễn Duy Đạt ở thôn Trù Phúc, làng Thuận Lạc, nay là xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, năm 1934 sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Tiêu, nên sau này thường được gọi là ả Tiêu. Khoảng những năm 1935-1936, đình làng Thuận Lạc được sửa sang lại, ông Nguyễn Duy Đạt có đóng góp tiền nên được làng ban cho trạng "sinh đồ" (học trò), dân thường gọi là ông đồ Tiêu, bà đồ Tiêu. 

Khi mới về nhà chồng, cha chồng là một ông đồ dạy học với lễ giáo nghiêm khắc, mẹ chồng lại là người khó tính nhưng vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, thuở nhỏ cũng được học chữ nghĩa nên bà đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, sống nghĩa tình, hiếu thuận với cha mẹ chồng, anh chị em nhà chồng và lo mọi chuyện đồng áng, ruộng vườn, chuyện hương khói thờ phụng tổ tiên...

Cách mạng Tháng 8 thành công, bà tích cực tham gia xây dựng chính quyền mới, trong khi ông Nguyễn Duy Đạt được kết nạp Đảng Lao động, thành ủy viên ủy ban hành chính xã Trường Xuân thì bà tham gia các phong trào Hũ gạo kháng chiến, dạy Bình dân học vụ, tham gia các hội Mẹ chiến sĩ, Phụ nữ...

Giai đoạn 1952-1956, đây là giai đoạn khó khăn, do nóng vội và nhận thức yếu kém nên cuộc Cải cách ruộng đất ở địa phương đã xếp gia đình ông bà vào diện địa chủ, gia sản bị tịch thu, chồng bị bỏ tù nhưng bà vẫn tất tả ngược xuôi, tìm đủ mọi cách để nuôi sống gia đình... Giai đoạn đó, trong gia đình có nhiều biến động lớn: em dâu là bà Trần Thị Minh không chịu được cảnh đấu tố đã quyên sinh tại giếng chòm, cả đại gia đình bị đấu tố. Sau này mỗi lần nhắc lại, tuy tuổi già quên nhiều nhưng khi kể đến giai đoạn này lòng bà vẫn canh cánh nỗi buồn bực.

Sau khi được trả lại thành phần, có ruộng, ông bà vào hợp tác xã, tham gia vào công tác đoàn thể của địa phương, bà cùng gia đình hăng say sản xuất, tham gia các phong trào kháng chiến chống Mỹ, tham gia tổ hòa giải của phụ nữ.

Ảnh chụp cố Tiêu cùng gia đình năm 2005

Ảnh chụp cố Tiêu cùng các con và bác Nguyễn Duy Tiếu (cháu đích tôn của cố Đồ Song) năm 2005

Ảnh chụp cố Tiêu cùng các con gái năm 2005

Ảnh chụp lễ mừng Đại đại thọ cố Tiêu năm 2010  đại diện ủy ban nhân dân xã và các cơ quan đến chúc mừng

Ảnh chụp lễ mừng Đại đại thọ cố Tiêu năm 2010 - nhận quà của Chủ tịch nước

Ảnh chụp lễ mừng Đại đại thọ cố Tiêu năm 2010

Ảnh chụp lễ mừng Đại đại thọ cố Tiêu năm 2010


Bà có với ông Đạt 8 người con, ông bà nuôi lớn và lập gia đình cho cả 8 người.
Các con của ông bà gồm:
1. Nguyễn Thị Tiêu, làm ruộng, lấy chồng là ông Nguyễn Thái Thịnh, giáo viên, ở xã Yên Sơn. Có 7 người con.
2. Nguyễn Thị Dao, công nhân nhà máy cao su, lấy chồng là ông Nguyễn Văn Thận, công an. Có 5 người con,
3. Ông Nguyễn Duy Mại, giáo viên.
4. Bà Nguyễn Thị Đại
5. Ông Nguyễn Duy Đệ
6. Ông Nguyễn Duy Xước
7. Bà Nguyễn Thị Nguyệt
8. Bà Nguyễn Thị Nga.