Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Tư liệu: về nhân vật Nguyễn Quang Thiện, người đang được nhận là Viễn tổ họ Nguyễn Duy - Lạc Sơn


Danh nhân Nguyễn Quang Thiện là đại khoa của xứ Nghệ vào cuối triều Lê, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị 1 (tức năm 1664). Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều tài liệu công bố về thân thế, sự nghiệp của ông. Bằng bài viết này, chúng tôi mong được tìm hiểu về sự nghiệp khoa cử và hoạn lộ của vị Tiến sĩ, Giám sát ngự sử, Thừa chính sứ Nghệ An danh Nguyễn Quang Thiện.
     Nguồn sử liệu được chúng tôi lấy từ các tư liệu quý, có giá trị là văn bia tại Văn Miếu – Quốc tử giám lập năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (năm 1719), sách “Đại Việt sử ký toàn thư” bản in Nội các quan bảng, Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 1697, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong khoảng 1856 đến 1881, cuốn “An Tĩnh cổ lục” của tác giả Hyppolyte Le Breton và một số tài liệu khác của các nhà nghiên cứu xứ Nghệ như Phó Giáo sư Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh, Đào Tam Tỉnh. Bên cạnh đó là nguồn sử địa phương của huyện Hưng Nguyên, của các dòng họ có nhận Nguyễn Quang Thiện làm tổ như họ Nguyễn Duy ở thôn Yên Phú, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, họ Nguyễn Doãn ở thôn Kim Chuỳ, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Các thông tin chúng tôi đưa ra hoàn toàn khách quan, có nguồn gốc đáng tin cậy, hi vọng sẽ làm cơ sở sáng tỏ nhân vật lịch sử này.
I. TÓM LƯỢC SỬ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN TIẾN SĨ LÊ TRIỀU NGUYỄN QUANG THIỆN
1.1. Văn bia tiến sĩ Lê triều tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội
1.1.1. Vài nét về hệ thống văn bia
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.
Giá trị di tích bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Từ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tới khoa cuối cùng là khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất 1787 tính cho đủ phải tới 124 khoa thi đình, nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ, không kể các khoa Đông Các và Chế khoa thì cũng phải 117 khoa, vậy nếu theo đúng điển lệ triều Hậu Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa, vật đổi sao dời, số bia chỉ còn là 82 tấm. Nhiều tấm bia nọ lắp vào rùa kia, nhiều tấm nứt vỡ phải gắn chắp lại.
Văn Miếu - Quốc tử giám

Khi quân Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long đã làm hư hại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nông dân trại Văn Chương xin Nguyễn Huệ dựng lại bia đề tên Tiến sĩ trong nhà Giám viết rằng:
Bia Tiến sĩ dựng trong Văn Miếu
Khởi từ năm Đại Bảo thứ ba
Xí vào Nhâm Tuất hội khoa
Thái Tông ngự trị thuộc nhà Hậu Lê
Rồi từ đó lệ về Quốc Giám
Trải ba trăm ba mươi tám năm ròng
Đến năm thứ 40 niên hiệu Cảnh Hưng vua Hiển Tông
Là khoa Kỷ Hợi cuối cùng hết bia
Tính gồm lại số bia trong Giám
Cả trước sau là tám mươi ba
Dựng theo thứ tự từng khoa
Bia kia sáu thước cách xa bia này
Nhà bia đủ đông tây 10 nóc
Vuông bốn bề ngang dọc bằng nhau
Mỗi bề hai chục thước tàu
Cột cao mười thước có lầu chồng diêm
Coi thể thế tôn nghiêm có một
Cửa ra vào then chốt quan phòng
Bốn quan nhất phẩm giám phong
Ba cơ, bảy vệ canh trong canh ngoài
Bia mới dựng đầy 2 nóc trước
Tám nóc sau còn gác lưu không
Năm năm chờ đợi bảng rồng
Các quan bộ Lễ, bộ Công chiếu hành.
Tháng 4 năm 1976 Viện Khảo cổ học phối hợp với phòng Bảo tồn bảo tàng, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội  đã khai quật được một con rùa đá đế bia chìm sâu dưới lòng hồ cạnh Khuê Văn Các. Thân bia chưa thấy, song sự việc này đã nâng số bia Tiến sĩ lên con số 83. Những năm thực dân Pháp xâm lược rồi tạm chiếm  Hà Nội,  2 vườn bia có lúc hoang vắng, cỏ cao lút đầu. Hiện nay 2 vườn bia đã được tu sửa lại theo mẫu sửa nhà bia cuối cùng vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 16, do Bố chính Lê Hữu Thanh cùng với thự Hậu quân Đô thống, Tổng đốc Hà Ninh là Tôn Thất Hân và Án sát Hà Nội là Đặng Tá khởi xướng làm 2 nhà bia mỗi nhà 11 gian để che mưa nắng cho các di vật quý giá này. Nội dung được ghi rõ trong 2 tấm bia dựng ở bên trái sân Đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám.
1.1.2. Bia số 43, năm Vĩnh Thịnh thứ 13 đề tên Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị 2


     Văn bia được lập năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (tức là năm 1719), triều vua Lê Dụ Tông. Nội dung cụ thể như sau:
Khoa mục đặt ra để tập hợp bậc tài tuấn, thu hút ngư­ời hiền hào, từ x­a các ông vua sáng suốt tài năng không ai không dùng khoa mục làm ph­ơng pháp kén kẻ sĩ, làm công cụ mở trị bình.

Kính nghĩ:
Quốc triều ta, đức Huyền Tông Mục hoàng đế, tính trời nhân hậu, vẻ ng­ười nghiêm trang. Thực nhờ: Đức Hoàng tổ D­ương vư­ơng, công thánh phù trì, đức sáng thi thố, muốn đư­ợc ng­ười có tài lỗi lạc để phục vụ nư­ớc nhà bèn chọn mùa xuân năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ  2, mở khoa thi Hội cho tất cả những cử nhân trong thiên hạ. Cắt ng­ười làm các chức Đề điệu, T­ri cống cử và Giám thí ai coi việc của ng­ười nấy. Chọn đư­ợc bọn Vũ Duy Đoán 13 ngư­ời vào hạng trúng cách. Sang tháng 6, dâng lên vua, cho vào thi Đình.
Đức Hoàng th­ượng thân hành xem xét, định thứ bậc trên d­ưới, cho Nguyễn Viết Thứ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn L­ương Mậu Huân 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân, bảng vàng đư­ợc nêu tên, v­ườn Quỳnh đư­ợc dự yến. Ơn ban có thứ bậc, nhất nhất đều theo lệ cũ, về lễ nghi đãi ngộ thực đã rất long trọng và đầy đủ, duy còn việc khắc tên và dựng bia thì ch­ưa làm đ­ược. Lúc ấy thế còn phải đợi. 
Đến nay: 
Hoàng th­ượng bệ hạ nhận nghiệp lớn, nối chí x­a. Thực nhờ: Đại nguyên suý, Thống quốc chính, S­ư thư­ợng An v­ương khôi phục, mở mang đư­ờng thịnh trị, vui mừng bồi dưỡng kẻ hiền tài, trọng nhất khoa thi Nho, sửa lại nhà Quốc học, sắm xe ngựa tới, xem khắp bia x­ưa, quả quyết thực hiện chí phục cổ, bèn ra lệnh bia nào ch­ưa lập thì lập lên, đặc cách lấy tiền kho ra, giao cho bộ Công mài đá, khắc rõ họ tên, để lư­u truyền đư­ợc mãi mãi, lại sai bề tôi chuyên việc văn từ, chia nhau soạn văn ghi việc. 
Lũ bề tôi bổn phận phải làm, không dám vì học lực kém cỏi mà từ chối, kính cẩn dâng lời rằng: Khoa mục đư­ợc đặt ra kể đã lâu rồi, duy khoa Tiến sĩ và việc kén ngư­ời tài được phát đạt nhất, cho nên đời Đ­ường đã có danh hiệu bảng long bảng hổ mà đời Tống lại có khoa mục t­ướng võ t­ướng văn. Ngay nh­ư  n­ước Việt ta khi nhà Lý, nhà Trần dấy lên, cũng tôn trọng cách tuyển cử ấy, vì đó là con đ­ường chính của bậc anh hào mà là một luật lệ trọng thể của Nhà nư­ớc. 
Quốc triều ta từ hồi sáng lập và thủ thành qua đến sau thời kỳ khôi phục, thánh nối thần truyền, khuôn x­a phép cũ, lệ 3 năm mở một khoa thi, vẫn một niềm tuân giữ; phép thi cực nghiêm, ơn ban cực hậu, những ng­ười đức cả tài cao, do đ­ường ấy mà xuất hiện đông đảo lại còn tên khắc trên đá, việc chép thành văn, để ở nhà học cho mọi ngư­ời cùng thấy. Nói về đ­ờng lối tôn trọng, tác thành và ph­ương pháp khen th­ởng khuyến khích thực đã hơn hẳn họ Lý, họ Trần và v­ượt qua cả nhà Đ­ường, nhà Tống vậy. Thế mà từ năm Bính Thân, niên hiệu Thịnh Đức đến nay, việc khắc bia vẫn còn để thiếu. 
Nốt việc ngư­ời tr­ước ch­ưa làm xong, bổ sung việc đời trư­ớc còn để thiếu. Vầng bia vòi vọi, nhà học nguy nga, một là làm tỏa ra cái h­ương thơm trung nghĩa của tiên nhân, hai là để khua lên luồng phong khí hào hùng cho hậu thế, nói về mặt cổ vũ văn phong, vun trồng giáo hoá, thực đã đến nơi đến chốn. 
Nay thử đem sự nghiệp và phẩm cách của những ng­ời đỗ các khoa này ra mà xem, có ng­ười nắm tài lỗi lạc mà giữ chức coi bản thảo ở cửa Bắc; có ng­ời kiêm cả học hạnh mà làm việc diễn lời vua ở gác Đông, ng­ười gánh trọng trách tuần tiễu ngoài biên, kẻ ở ngôi cao, truy tùy trong nội, hoặc ra vào nơi thanh tỏa cung sâu, hoặc ngâm vịnh thơ Hoàng hoa phong nhã, lại còn Tam thái ngôi trọng, điều độ cơ huyền, Tứ phụ quyền cao, vun trồng thế nước. Đó đều là những vị danh cao đức cả từ trong các khoa thi, nay ra mà làm m­ưa ngọt móc âm cho đời thịnh trị, rất bổ ích cho n­ước nhà vậy. Nh­ưng mà những ng­ười có tên trên bảng thuở ấy, cách đây đã 54 năm rồi, thảy đều đã sao Cơ khuất bóng, núi Nhạc về thần, ng­ười xư­a đã đi ta không kéo lại đ­ược nữa, mà đây chỉ nhặt cái danh thừa, giữ chút dấu cũ mà thôi. Trong khoảng thời gian ấy, ai là người ngay thẳng, trung hậu, ai là kẻ xiểm nịnh gian tà, ai phải, ai trái, ai đúng, ai sai, trốn sao được lời nghị luận của dân chúng! Thế mới biết tấm bia này dựng lên sẽ là để phân biệt ngọc với đá, kích lệ bọn trâm bào để ng­ời thiện thấy đó mà tự cố gắng, kẻ ác thấy đó mà phải e dè, đâu phải là chỉ nhìn cho đẹp mắt.
Bề tôi kính ghi.
Cẩn sự tá lang, Hàn lâm viện hiệu thảo, bề tôi là Nguyễn Nham vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến kim tử vinh lọc đại phu, Tham tụng Lại bộ Th­ượng th­ư, kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu phó, Liêm quận công, bề tôi là Nguyễn Quý Đức vâng sắc sửa.
Bia lập ngày mồng 2 tháng 3, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 13 n­ước Việt (1719).
Cho đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 1 ng­ười: 
- Nguyễn Viết Thứ: xã Sơn Đồng, huyện Đan Ph­ượng. 
Cho đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân 12 ng­ười: 
- L­ương Mậu Huân: xã Ch­ương D­ương, huyện Thư­ợng Phúc.
- Vũ Duy Đoán: xã Mộ Trạch, huyện Đư­ờng An. 
- Vũ Công Bình: xã Mộ Trạch, huyện Đư­ờng An. 
- Ngô Sách Dụ: xã Tam Sơn, huyện Đông Ngạn. 
- Nguyễn Quang Thiện: xã Triều Khẩu, huyện H­ưng Nguyên. 
- Nhữ­ Tiến Dụng: xã Hoạch Trạch, huyện Đư­ờng An. 
- Nguyễn Sự Giáo: xã Mỹ Sơn, huyện Thanh Chư­ơng. 
- Nguyễn Tiến Tài: xã Nhân Thành, huyện Thanh Ch­ương. 
- Trần Lư­ơng Bật: xã Cổ Am, huyện Vĩnh Lại. 
- Ngô Hải: xã Đ­ường Hào, huyện Đư­ờng Hào. 
- Bùi Tông: xã Thọ Lão, huyện An Lạc. 
- Lê Hy: xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn. 
Thư­ tả T­ướng thần lại phiên bề tôi là Phạm Quốc Trinh, ngư­ời xã Phù Nộ, huyện Thanh Miền, vâng sắc viết.
Thư­ tả công văn phiên, bề tôi là Trịnh Thế Khoa, ngư­ời xã Hạ Thanh Oai, huyện Thanh Oai, vâng sắc viết triện.
Văn bia đề khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị 2 (1664)

Theo sách: Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội - NXB Văn hoá thông tin - của tác giả Nguyễn Văn Ninh 

1.2. Tài liệu  trong Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục

1.2.1. Sơ lược về hai bộ sử
Bìa sách "Đại Việt sử ký toàn thư"

Đại Việt sử ký toàn thư bắt đầu được sử gia Ngô Sỹ Liên, một vị sử quan làm việc trong  Sử quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), bộ sử mới gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ một thời điểm huyền thoại là năm 2879 TCN đến năm 1472 khi nhà Hậu Lê được thành lập và mang tên Đại Việt sử ký toàn thư. Sau đó, dù đã hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sỹ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp  từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ đến năm 1662, đời vua Lê Thần Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ  gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở. Khoảng niên hiệu Chính Hoà đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông. Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia  Ngô Sỹ Liên cách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.
Toàn thư viết theo thể biên niên, nghĩa là ghi lại toàn bộ lịch sử theo diễn biến thời gian, mà ở đây là theo niên hiệu của các triều vua.
Cũng cần nói thêm rằng, nhờ sự tiếp nối của các sử gia dưới thời vua Lê, chúa Trịnh mà tên tuổi của Nguyễn Quang Thiện mới được ghi lại đầy đủ, đó cũng là công lao của vua Vĩnh Thịnh khi mà những vị khoa cử từ triều vua Cảnh Trị cách hơn 50 năm hầu hết đã qua đời thì đều được vua Vĩnh Thịnh nhớ đến và cho khắc vào bia đá.
Toàn thư viết khá đầy đủ về tổ chức khoa thi năm Cảnh Trị 2 và việc bổ dụng một số nhà khoa bảng vào làm việc tại các cơ quan của chính quyền phong kiến thời đó.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục được vua Tự Đức  chỉ đạo biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), do Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). Bộ sách được hoàn thành vào năm 1859, sau đó trải qua các lần "duyệt nghị" (1871), "duyệt kiểm" (1872), "phúc kiểm" (1876), "duyệt định" (1878), "kiểm duyệt" (1884), đến năm Kiến Phúc thứ 1 thứ 1 (1884) được khắc in và ban hành.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn theo thể biên niên dựa trên cơ sở Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, có tham khảo các sách sử của Trung Quốc cùng các sách sử khác của Việt Nam. Bộ sách được viết theo thể "cương mục" của Chu Hy thời Tống, chia ra "cương" (phần tóm tắt gọn và sáng) và "mục" (việc chép rộng ra cụ thể hơn), theo thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại trên cơ sở khảo chứng các sách sử, tư liệu của Việt Nam và Trung Quốc, lời chú thích tên người, tên đất, chế độ thi cử, tổ chức hành chính, rải rác có các lời phê của vua Tự Đức.
Tài liệu tham khảo của Cương mục khoảng trên 200 bộ, bao gồm dã sử, thơ văn, các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... cùng các sách sử của Trung Quốc. Bộ sách gồm 53 quyển (1 quyển thủ, 5 tiền biên và 47 chính biên).
Một trang trong Khâm định việt sử thông giám cương mục

1.2.2. Tài liệu trong Toàn thư
Về tổ chức khoa thi năm Cảnh Trị 2, Sách Toàn thư viết:

Giáp Thìn, [Cảnh Trị] năm thứ 2 [1664],
Tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Vũ Duy Đoàn 13 người. Lấy Nguyễn Nhuận là Hình bộ tả thị lang, Nguyễn Quốc Khôi làm Hình bộ Hữu thị lang, Hoàng Vinh là Đại lý tự khanh.
Mùa hạ, tháng 4, sai Phó tướng thiếu phó Tông quận công Trịnh Hoành và Bồi tụng Lễ bộ tả thị lang Phong Lộc tử Ngô Tuấn phúc khảo sinh đồ các xứ ở bãi cát sông Nhị.
Trước đây, phép thi lỏng lẻo, còn cho mang sách. Từ năm Canh Tý đến nay, tuy đã cấm chỉ, nhưng vẫn chưa được chặt chẽ, người thi đỗ phần nhiều dốt nát, nhờ người làm bài, dư luận xôn xao. Đến đây, sai quan phúc khảo sinh đồ ba khoa Đinh Dậu, Canh Tý và Quý Mão. Đề thi dùng một bài thơ Đường và một bài ám tả chính văn kiêm đại chú trong Kinh Truyện. Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập, cho miễn tạp dịch. Nếu thi lại lần nữa vẫn không đỗ mới trở về làm dân, chịu tạp dịch. Bấy giờ người hỏng đến quá nửa.
Tháng 6, thi Điện. Cho Nguyễn Viết Thứ đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lương Mậu Huân 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Lấy Nguyễn Năng Thiệu làm Lại bộ tả thị lang, Vũ Vinh Tiền làm phó đô ngự sử, Nguyễn Danh Thực làm tham chính xứ Thanh Hoa, Lê Công Triều làm hiến sát sứ xứ Thanh Hoa.

Về việc bổ nhiệm người đỗ đạt, Toàn thư viết:

Ất Tỵ, [Cảnh Trị] năm thứ 3 [1665], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 19; Thanh Khang Hy năm thứ 4).
Mùa xuân, tháng 3, cho các chức trong ngoài được thăng cấp. Lấy Hàn lâm viện thị giảng Đặng Công Chất làm Công bộ hữu thị lang, Lê Đức Vọng làm thừa chính sứ xứ Hải Dương, Nguyễn Vỹ làm thừa chính sứ xứ Yên Quảng, Phạm Duy Chất làm Đông các đại học sĩ, Nguyễn Vĩnh làm tham chính xứ Nghệ An, Phạm Lập Lễ làm tham chính xứ Sơn Tây, Bùi Định Viên làm Đông các học sĩ, Nguyễn Công Bích làm Thái đường tự khanh, Nguyễn Đình Chính làm Phụng Thiên phủ doãn, Phạm Chất, Lê Đắc Toàn, Uông Nhuệ, Lương Nghị, Lê Vinh, Hoàng Đức Đôn đều làm đô, cấp sự trung; Nguyễn Vinh Thịnh, Vũ Bật Hài làm đề hình giám sát ngự sử; Đỗ Thiện Chính, Nguyễn Công Bật, Vũ Cầu Hối, Lê Chí Đạo, Lê Nhân Kiệt, Đàm Đặng Dụng đều làm cấp sự trung; Lại Đăng Tiến, Lê Trí Bình, Mai Trọng Hoà, Phi Đăng Nhiệm đều làm hiến sát sứ; Vũ Công Bình, Ngô Sách Dụ làm Hàn lâm viện hiệu thảo; Nguyễn Đình Trụ, Nguyễn Quang Thiện, Lê Thức, Nguyễn Sĩ Giáo, Nhữ Tiến Dụng, Lương Mậu Huân, Vũ Trác Lạc, Nguyễn Viết Dương, Nguyễn Tiến Tài, Bùi Tông đều làm giám sát ngự sử. Lại lấy Kinh lịch Nguyễn Quang Nhạc làm tư nghiệp, Nguyễn Đăng Minh làm hiến sát sứ xứ Hưng Hoá; Trương Luận Đạo, Lê Thuần Phỉ, Ninh Đạt, Lê Liêu, Nguyễn Cung đều làm giám sát ngự sử. Khi ấy, bọn Quang Nhạc, Đăng Minh Nguyên trước bị giáng bãi, đến đây cho thăng cấp, cho nên lại được bổ dùng. Có lệnh chỉ cho Ngự sử đài khảo xét công việc đã làm của quan lại các nha môn trong ngoài. Quan thì chia thành ba bậc, lại thì chia thành hai bậc, cứ cuối năm thì kê ra từng loại tâu lên để xét việc thăng giáng, từ đấy lấy làm lệ thường.

Luận giải về chức “Giám sát Ngự sử” như sau:
Thời Lý đã có chức quan làm nhiệm vụ can giám, giám sát công việc của các quan gọi là “Ngự sử đại phu” đặt ra dưới chiều Lý Thái Tổ hoặc “Gián nghị đại phu” như trường hợp Lý Đạo Thành; thời Lý Thái Tông đặt thêm chức “Tả hữu gián nghị đại phu”.
Thời Trần bắt đầu đặt Ngự sử đài, các chức Thị Ngự sử, Giám sát Ngự sử, Ngự sử trung tán.
Trong thời Lê, Lê Thái Tổ theo chế độ nhà Trần, đặt Ngự Sử đài giữ việc xem xét, chấn chỉnh kỷ cương trong triều gọi là “ngôn quan”. Đến thời Lê Thái Tông, bộ máy thanh tra được tổ chức hoàn hảo, chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, bỏ chức Thị Ngự sử và chức Ngự sử trung thừa, Phó trung thừa đổi thành ba chức: Đô ngự sử, Phó đô Ngự sử và Thiêm đô Ngự sử, đặt Giám sát Ngự sử ở 13 đạo và tổ chức này được giữ cho đến thời Lê Cảnh Hưng, Lê Chiêu Thống.
Trong thời Nguyễn, tổ chức Ngự sử đài được đổi thành Đô sát viên, do chức Tả Hữu, Đô ngự sử làm nhiệm vụ thanh tra, có lúc gọi là Khâm điện hoặc Khâm sai. Thời Minh Mạng xác định lại các chức: Tả đô ngự sử, Hữu đô ngự sử (Tuần phủ và các tỉnh kiên). Thời Nguyễn trong quan chế có chức thanh tra nhưng chủ yếu là thanh tra kinh tế, xem các kho lương, kho thóc gạo. Năm 1812, Giao long chuẩn y 3 năm một khóa thanh tra vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Như vậy, ở các triều đại phong kiến trước đây trong lịch sử nước ta, tổ chức Thanh tra có tên gọi là Ngự sử đài. Ngự sử đài có chức năng can giám nhà vua, giám sát việc làm của các quan. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã nêu rõ nhiệm vụ của Ngự sử đài là “Hễ thấy Trẫm có chính sự hà khắc, làm hại dân, thưởng phạt không đúng phép và các quan lại lớn nhỏ không giữ phép công thì kíp dâng giấy tờ lên đàn hặc. Nếu ai tự vị, nể nang, buông thả, dung túng hoặc chỉ nhằm những việc nhỏ nhặt hay là bắt bóng nói càn thì đều phạm tội”.
Năm 1456, Lê Nhân Tông hạ chiếu chỉ “Viên quan trong Ngự sử đài thì tâu hoặc đều làm lỗi, Trừ bỏ việc xấu, biểu dương việc hay, không nên lấy riêng bàn việc công hoặc sợ hãi mà im lặng không nói”.
Lê Thánh Tông, năm 1471, ban Sắc dụ chỉ rõ : “Ngự sử, hiến sát để đàn hặc sự gian tà của quan, xét rõ sự u uẩn của nhân dân”.

1.2.3. Tài liệu trong Cương mục
Cũng dựa trên Toàn thư, Cương mục cũng ghi về kì thi triều Cảnh Trị 2 như sau:

Giáp Thìn, năm thứ 2 (1664). (Thanh, năm Khang Hy thứ 3).
Tháng 4, mùa hạ. Thi khảo lại sinh đồ ở giữa bãi sa bồi sông Nhị.
Trrước đây, phép thi sơ lược rộng rãi, học trò phần nhiều mang theo bài cũ. Từ năm Canh Tý đến nay, đã nhiều lần có lệnh cấm ngăn, mà người được đỗ vẫn còn nhiều hạng người mượn tay người khác làm bài hộ, vì thế mà lời bàn tán của quần chúng xôn xao sôi nổi. Đến đây, triều đình sai quan thi khảo lại những sinh đồ đã lấy đỗ trong ba khoa: Đinh Dậu, Canh Tý và Quý Mão.
Đầu bài thi: Làm một bài thơ theo luật đường; ám tả một chương chính văn và đại chú trong tứ truyện. Người nào đỗ vẫn được giữ nguyên là sinh đồ; ngoài ra, những người không đỗ sẽ ở lại học tập ba năm và được miễn trừ tạp dịch; lại thi một lần nữa, nếu người nào không đỗ sẽ cho trở về hạng dân đinh để chịu tạp dịch. Lúc ấy, những người bị đánh hỏng đến quá một nữa.
Cương mục cũng nói đến việc bổ quan nhưng không nêu đích danh mà chỉ nêu là:

Ất Tỵ, năm thứ 3 (1665). (Thanh, năm Khang Hy thứ 4).
Tháng 3, mùa xuân. Định phép khảo công.
Hạ lệnh cho Ngự sử đài khảo xét hành trạng quan lại trong kinh và ngoài các trấn, người có công, người có tội phân biệt xếp thành từng hạng từng bậc.
Về hạng quan chia ra ba bậc: người nào cần mẫn, cẩn thận, công bằng, liêm khiết, thương yêu dân chúng, chính trị bằng phẳng, kiện tụng trôi chảy, liệt vào bậc thượng khảo, người nào không nhũng nhiễu dân về việc đòi hỏi bắt bớ, về việc khoa điều án từ, không khiếm khuyết việc công, liệt vào bậc trung khảo; người nào tham ô bỉ ổi, kiện tụng để ứ đọng, liệt vào bậc hạ khảo.
Về hạng lại chia ra hai bậc: Người nào thanh liêm, tài cán, siêng năng, nhanh nhẹn, liệt vào bậc trung khảo; người nào bỉ ổi, tham ô, nhũng nhiễu, liệt vào bậc hạ khảo.
Hàng năm, cứ đến cuối năm, Ngự sử đài làm danh sách tâu trình để bàn định thi hành việc truất bãi hoặc cất nhắc.

1.3. Gia phả sơ lược họ Nguyễn Duy ở Văn Thành
Đời thứ Nhất: Viễn tổ tướng công Nguyễn Quang Thiện.
- Sinh năm Ất Sửu (1625), người Thịnh Mỹ, Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
- Thi Hương đỗ giải nguyên. Năm 40 tuổi thi Hội đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị 2 (1664),
- Làm quan đến chức giám sát ngự sử, sau làm Thừa chính sứ Nghệ An.
- Sinh một con trai là Nguyễn Hữu Chiên. Giỗ ngày 9 -5  âm lịch.
- Mộ tại xứ Cồn Vang, chân rú Thành, huyện Hưng Nguyên.
Đời thứ Hai: Nguyễn Hữu Chiêm
- Con Nguyễn Quang Thiên, ở Hưng Nguyên, Nghệ An.
- Sinh một con trai là Thành Sơn Bá - Nguyễn Lương Thiện.
- Giỗ ngày 14 – 6 âm lịch.
- Mộ đã đưa về lăng họ tại xứ Thành, xã Văn Thành, huyện Yên Thành.
- Vợ là Nguyễn Thị Trũng, giố 20 – 1 âm lịch, mộ đã đưa về lăng họ tại xứ Thành, xã Văn Thành, huyện Yên Thành.
Đời thứ Ba: Thành Sơn Bá - tự Lương Thiện.
- Con ông Nguyễn Hữu Chiên, cháu ông Nguyễn Quang Thiện.
- Ở Hưng Nguyên.
- Sinh 3 con trai:
(1) Nguyễn Hữu Xương
(2) Nguyễn Văn Thịnh
(3) Nguyễn Hữu Vượng
- Vợ là Trần Thị A Nương, hiệu từ hạnh nhụ nhân, giỗ 3-12 âm lịch.
Đây chính là giai đoạn tạo lập họ Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Hữu Xương là con trai cả của Thành Sơn Bá, ở lại quê Hưng Nguyên, nay con cháu ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, con trai thứ 2 là Nguyễn Văn Thịnh (thuỷ tổ họ Nguyễn Văn Thành) đến lập nghiệp ở Văn Thành, Yên Thành ngày nay. Con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Vượng, sinh năm Canh Dần, đỗ Cử nhân, di cư đến thôn Đại Độ, xã Đô Thành, Yên Thành.
Đời thứ Tư (đời thứ Nhất phái Nguyễn Duy Văn Thành)
Nguyễn Văn Thịnh – có công khai khẩn đất đai, lập làng nên được Thành Thái (1903) sắc phong: “Bản cảnh Thành hoàng, yên thổ phú dân, trung lương thịnh đức, dực bảo trung hưng, linh phù chi thần”, Khải Định (1924) gia phong: “Đôn nghi chi thần”, hai xóm Yên Phúc và Đồng Xoang đều có đền thờ, sinh được 3 con trai là:
(1) Nguyễn Văn (Trung), đến vùng Kẻ Trang, nay là Tân Xuân, Tân Kỳ.
(2) Nguyễn Duy Nộ: ở lại Văn Thành
(3) Nguyễn Văn Đương
Đời thứ Năm (đời thứ 2 họ Nguyễn Duy Văn Thành)
1. Nguyễn Văn (Trung), đến vùng Kẻ Trang, nay là xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
2. Nguyễn Duy Nộ - Nhã lượng phủ quân, sinh giờ Sửu, ngày 21 tháng 11 năm Đinh Mão (1667), ở Yên Phú, Văn Thành. Có 2 con trai là Nguyễn Duy Phùng, Nguyễn Duy Bản. Mất năm Nhâm Thân 1752, thọ 66 tuổi.
3. Nguyễn Văn Đương, không biết tung tích, Nguyễn Văn Đương sinh Nguyễn Thoan, Nguyễn Thoan sinh Nguyễn Thế Danh, Nguyễn Thế Đức. Gia phả không ghi: "Nguyễn Văn Đương đến vùng Truông Cồn Đọi" như sau này vẫn lầm tưởng.

1.4. Gia phả họ Nguyễn Doãn ở Kim Chuỳ, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà
Theo gia phả còn lưu lại,  Họ Nguyễn Doãn ở đây có từ lâu đời. Chánh triệu tổ là ngài Nguyễn Quang Thiện, Ông sinh năm 1625, quê quán tại làng Triều Khẩu, Huyện Hưng Yên , Nghệ An (nay là xã Hưng phú, huyện Hưng Nguyên, Nghệ an). Ngài thi hương và đỗ giãi Nguyên, Đệ tam đồng tiến sĩ xuất thân, khoa giáp thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), đời vua Lê Huyền Tông. Làm quan đên chức Giám sát Ngự Sử và được dựng bia đá tại Văn miếu quốc tử giám ngày 2 tháng 3 năm 1717, niên hiệu Vỉnh Thịnh thứ 13 (bia số 43).
Con trai của ông Nguyễn quang Thiện là Nguyễn Quang Sức - Thỉ Tổ Khảo. Ông làm đến chức Thượng Tướng quân Điện Tiền cẩm y vệ, Tổng binh các đạo phúc lâm hầu - Nguyễn quý Công, tự Quang Sức thụy Vũ Dũng, hiệu ông Thặng phu quân.
Sau 5 đời mang tên họ nguyễn Quang. Từ đời thứ 6 đến nay thì mang tên họ là Nguyễn Doãn (chưa hiểu lý do vì sao ?).
 Đến nay, dòng họ Nguyễn Doãn tại làng Kim Chùy đã có 20 đời, với trên 700 đinh và có 5 chi nhánh. Trong đó có một nhánh biệt về xã Diễn Đoài, huyện Diễn châu, Nghệ An với 130 đinh và một nhánh biệt về xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xyên, Hà Tỉnh với trên 140 đinh. (Cũng theo gia phả thì hai nhánh này do hai người từ kim Chùy ra đi đến vùng này sinh cơ lập nghiệp đã có 10 đời.).
Xưa, họ Nguyễn Doãn có nhiều danh nhân. Cả Văn –Võ. Ngoài Chánh Triệu Tổ Nguyễn quang Thiện ( quan Giám sát ngự sử ) và Thỉ Tổ khảo là Nguyễn Quang Sức (Thượng Tướng quân, Điện Tiền cẩm y vệ tổng binh các đạo phúc lâm hầu). Còn có Ngài Nguyễn Xủ, trước làm đội trưởng đời Nhà Lê được sắc phong là “Bách Hộ kiêm thiên hộ - kiệt trung tướng quân” và triều Nguyễn sắc phong “Dực Bảo Trung Hưng Linh phủ chi thần” Nguyễn quý công Húy Xủ (ở quê thường gọi là Quan Chưởng). Nay mộ của ông vẫn còn tại nghĩa trang của làng và là một trong 4 người trước đây được làng làm giổ do có công mở thêm đất đai, ranh giới cho làng; Ngài Doãn Ức trước làm đội Trưởng đời Nhà Lê có sắc phong là “ Bách Bộ Phấn Lực tướng quân”. Nguyễn quý công tên chữ là Húy Thát…
Trong hai cuộc kháng chiến chông Pháp và Mỹ họ Nguyễn Doãn làng Kim Chùy cũng đã cống hiến nhiều nhân-tài-vật lực cho cách mạng, như ông Nguyễn Doãn Chức Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, liệt sỹ năm 1930 cùng nhiều liệt sỷ, thương bệnh binh khác;  nhiều gia đình có công với cach mạng; nhiều cá nhân dược tặng thưởng huân huy chương…

1 nhận xét:

  1. Sao không nghe nói đến ông này bao giờ nhỉ, ở Vinh cũng không có tên đường thì phải.

    Trả lờiXóa