Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Dịch gia phả chữ Hán họ Nguyễn Duy Đại tôn (Trù Phúc giáp, Thuận Lạc thôn)

Gia phả do cố Cửu Tiến (Nguyễn Duy Trứ soạn), tôi đang dịch dần dần vì công việc bận quá. Hôm nay chỉ xin đưa lên phần dịch nghĩa (comment dưới từng ảnh), khi có thời gian tôi sẽ dịch cụ thể, đánh máy cả phần phiên âm, dịch và chú giải.

NGUYỄN TỘC GIA PHẢ (Gia phả họ Nguyễn)
Họ ta từ cổ đến nay tên là Nguyễn Hữu. Đến đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, hiển tổ khảo giữ chức Lý trưởng tên húy vẫn là Nguyễn Hữu nhưng tự là Nguyễn Duy. Từ đó trong họ ta người thì Nguyễn Hữu, người thì Nguyễn Duy tùy nghi bất nhất.

Họ ta cư ngụ tại Anh Sơn phủ, Lương Sơn huyện, Thuần Trung tổng, Trường Mỹ xã, Thuận Lạc thôn, Trù Phúc giáp. Bản gia phả này do Nguyễn tộc thứ tôn Nguyễn Duy Trứ phụng ghi với suy nghĩ: Trên thế gian này con người sinh ra do tổ, nước thì có sử, họ thì có gia phả. Gia phả phải ghi chép vào giấy từng khoản một: danhh tính, thế thứ, mộ phần, niệm húy kị (kể cả tảo sa, tảo lạc) thật phân minh, rõ ràng để được vĩnh tồn, để sau này con cháu dễ bề khảo đính chiếu chứng.

Nguyễn gia thái thủy tổ khảo tỷ thần vị

Tiền tổ khảo Nguyễn quý công tự "Ông Thiên" phủ quân

Tiền tổ tỉ Nguyễn chính thất hiệu "Bà Thiên" nhũ nhân.

Tiên tổ Nguyễn quý công hiệu "Ông Thu bà Thu"
Lế kỵ ngày 6 tháng 6.

Tiên tổ khảo tiền bản phủ hiệu sinh sinh đồ Nguyễn quý công tên tự là Thiện tính tiên sinh
Lễ kỵ ngày 20 tháng 8 cả họ ta cúng giỗ.

Tiên tổ tỷ tiền bản phủ hiệu sinh sinh đồ Nguyễn chính thất, tên hiệu "Từ Trinh" nhũ nhân.

Tiên tổ tiền lưu quận Nguyễn Quý công tư Hữu Nham phủ quân
Tiên tổ tỷ Nguyễn chính thất Nhũ nhân.

Tiên tổ tiền chấp khóan kiêm hương lão húy Hữu Thọ thụy Duy Trường phủ quân
Kỵ ngày 6 tháng 9.











Phụng dịch: Hậu dụê Nguyễn Duy Đăng.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Cây đa, mái đình quê hương

Cây đa làng Phúc Hậu (Lam Sơn) và đình Phúc Hậu, ngày xưa làng Thuận Lạc cũng có ngôi đình như thế này chăng?




Còn đây là đồng Lạc Sơn, nhìn về phía Trù Phúc:



Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Kể chuyện vị nhạc phụ, nhạc mẫu được thờ tại nhà thờ đại tôn


Đó là nhạc phụ, nhạc mẫu của đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa.
Hẳn chúng ta ai cũng biết đến câu chuyện 8 đời độc đinh của dòng họ. Đến đời thứ 7, đức tổ Nguyễn Hữu Thoại có thầy học ở bên Cát Ngạn, ngày rằm tháng Tám đi tết thầy chẳng may chìm đò mà chết đuối. Dòng dõ họ Nguyễn Duy Trù Phúc chỉ còn lại mỗi cậu bé Nguyễn Hữu Nghĩa tầm 7, 8 tuổi. May mắn có o Nguyễn Thị Thanh xin nhà chồng về nuôi cháu. Nguyễn Hữu Nghĩa lớn lên, thi đậu tam trường, làm lí trưởng xã Tràng Bộc 10 năm.
Đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa, đời thứ 8, sinh năm Tân Sửu (1781) - mất ngày 14 tháng 10 năm Nhâm Tý (1852), thọ 72 tuổi.
Tổ mẫu là Nguyễn Thị Nhân, sinh năm Tân Hợi (1791), mất ngày 20 tháng 5 năm 1850 - thọ 60 tuổi. Tổ mẫu là con gái họ Nguyễn Trí trong thôn, ông bà sinh được 8 người con (3 gái, 5 trai), các con gái lấy về trong thôn Cảnh Minh và trong làng, các con trai thì theo đường học hành, cũng có người làm nông nghiệp, người đi lính cho triều đình và tử trận (can Nguyễn Hữu Giá).
Ông bà nhạc của đức tổ Nguyễn Hữu Nghĩa không có con trai nối dòng, nên khi qua đời được con rể là Nguyễn Hữu Nghĩa lo vẹn toàn chuyện hậu sự, thờ cúng nghiêm chỉnh như cha mẹ ruột của mình và dặn dò con cháu đời sau cũng phải phụng thờ.
Do vậy , trong bài văn cúng của họ ta mới có đoạn:
NGOẠI ĐƯỜNG TIỀN BẢN PHỦ, HIỆU SINH SINH ĐỒ NGUYỄN QUÝ CÔNG TỰ NHƯ CHƯƠNG, THỊ MINH MẪN.
Phần mộ của ông bà nhạc của đức tổ ta nay không rõ ở đâu, nhưng đây cũng là câu chuyện hiếm gặp về tình cảm giữa con rể và cha mẹ vợ!
Đáng trân trọng lắm thay!

Vinh thành, đầu hạ 2013.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Một số hình ảnh Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập huyện Đô Lương
































Các sắc phong đền Khai Long lưu giữ tại đền Linh Kiếm


Chúng tôi đã có bài, ảnh về ngôi đền có tên Khai Long Sứ và Sắc phong ở đền Linh Kiếm.

Đền Khai Long sứ (開隆使) tại thôn Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (cũ) mà nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một trong những ngôi đền có quy mô lớn của huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn ngày xưa. Theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” huyện Lương Sơn được lập năm Minh Mệnh 12 (1831), mục “Đền miếu” ở huyện Lương Sơn có ghi 3 đền miếu lớn: đền Quả Sơn (Quả Sơn linh từ) (ở thôn Nhân Bồi, xã Bạch Đường), miếu Khai Long Sứ (ở thôn Đông Bích, xã Thuần Trung), miếu vua Trang Tông Dụ Hoàng đế (ở thôn Yên Tứ, xã Văn Trường). 

Hiện nay, chỉ còn lại hai công trình là đền Đức Hoàng (thờ vua Lê Trang Tông) ở xã Yên Sơn, đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, cả hai công trình này đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Riêng đền Khai Long sứ ở xã Trung Sơn đã thành phế tích.

Qua quá trình điền dã, cũng là tìm tư liệu cho khu vực Tổng Thuần Trung, chúng tôi phát hiện thấy ở đền Linh Kiếm (thôn Thuận Lý, xã Thuận Sơn) có lưu giữ rất nhiều sắc phong, nhưng trong đó lại có nhiều sắc không phải phong cho thần được thờ ở đền này mà do những đền ở nơi khác gửi. Trong đó có sắc phong đền Khai Long sứ ở Đông Bích và sắc cho Thành hoàng chi thần của xã Thuần Trung. Lý giải điều này, chúng tôi được nhà thơ Thạch Quỳ giải thích: sau khi đền Khai Long sứ bị phá để xây dựng trường tiểu học Trung Sơn, các đồ thờ hầu hết bị suy suyển, mất mát hết, nhiều người dân lấy về sử dụng, còn các đạo sắc phong của các triều đình phong kiến cho đền thì được người dân Đông Bích đem gửi ở đền Linh Kiếm.

Qua kiểm tra các sắc phong tại đền Linh Kiếm, chúng tôi phát hiện thấy có một số đạo sắc phong như sau:

- Đạo sắc (mất hết niên hiệu nhưng khả năng là dưới triều vua Cảnh Hưng)
- Đạo sắc phong năm Cảnh Hưng 28.
- Đạo sắc phong năm Cảnh Hưng năm thứ 44;
- Đạo sắc phong năm Tự Đức 31 nhân dịp Ngũ tuần đại khánh;
- Đạo sắc phong năm Đồng Khánh thứ nhất;
- Đạo sắc phong năm Khải Định nhân dịp Tứ tuần đại khánh;
- Đạo sắc phong năm Duy Tân thứ nhất.

Như vậy, có thể thấy việc thờ phụng thần ở đền Khai Long Sứ đã có từ lâu đời và đã được nhà nước phong kiến ghi nhận. Với 7 đạo sắc phong còn lưu giữ đã ghi nhận công lao của vị thần được thờ trong đền Khai Long là Thái Phó Tấn (Truyền) Quận Công Nguyễn Cảnh Hoan.

Rất tiếc hiện nay đền Khai Long đã bị phá hoang tàn.



Từ đó, tôi thấy rằng: Trước kia, khi còn đình Thuận Lạc, chắn chắn các triều đại phong kiến phải phong THẦN cho Thành Hoàng làng Thuận Lạc. Nhưng mà tiếc rằng ở Lạc Sơn, cái gì cũng phá hết.

Nay xin dịch lại một số bản sắc phong cho đền Khai Long - mà chủ yếu cho Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan  như sau:


Sắc thứ 1:





敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神;嘏純禧妙感純正開隆使君。節經頒給敕封準其奉事。嗣德三十一年正值朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登怵準許依舊奉事用誌國慶而伸祀典。
欽哉


Phiên âm:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

Dịch nghĩa:
Sắc chỉ cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 gặp đúng đại lễ mừng thọ 50 của trẫm nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!


Sắc thứ 2:


Nguyên văn:

敕俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神玄嘏純禧妙感純正開隆使君之神向來護國庇民稔著靈應。節蒙頒給敕留祀.。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈翊保中興各等神仍準許乂安省梁山縣純忠社依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉
Phiên âm:
Sắc Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân chi thần hướng lai hộ quốc tí dân nhẫm trước linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng các đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Dịch nghĩa:
Sắc cho vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân từ trước tới nay bảo vệ nước che chở dân linh ứng rõ rệt. Đã được ban tặng sắc phong để thờ. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, đáng được tặng phong là: Các đẳng thần Dực bảo Trung hưng, vẫn chuẩn cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân ta. Kính thay


Sắc thứ 3:

Nguyên văn:
敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事卓偉翼保中興開隆使君上等神卓偉翼保中興功神太傅晉郡公阮上等神。節經頒敕封準其奉事。維新元年晉光大禮經頒頒寶詔覃恩禮隆登秩榫依舊奉事用志國慶而申祀典。欽哉

Phiên âm:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long sứ quân thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Lê trung hưng công thần Thái Phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai


Dịch nghĩa:

Sắc chỉ cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị Thượng đẳng thần Khai Long sứ quân vốn được tặng mỹ tự là Trác vĩ Dực bảo Trung hưng; vị thượng đẳng thần công thần triều Lê trung hưng Thái Phó Tấn Quận công họ Nguyễn (vốn được tặng mỹ tự là) Dực bảo Trung hưng. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm đầu niên hiệu Duy Tân cử hành đại lễ lên ngôi nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!


Như vậy, cùng với đền chính ở sát Sông Lam thuộc xã Tràng Sơn, mộ tại khu vực Rú Cấm, Thái phó Tấn quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan còn được thờ tại nhiều nơi của Đô Lương, hầu hết đều là những ngôi đền lớn có giá trị, quy mô hoành tráng như đền Khai Long, đền Phú Thọ!

Nguyễn Cảnh Hoan có mối liên hệ gì với mảnh đất Lạc Sơn hay các vị tiền nhân họ Nguyễn Duy hay không? Chúng tôi sẽ dần làm rõ.