Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Ông Nguyễn Duy Mân với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Ông Nguyễn Duy Mân, sinh năm 1908 tại thôn Trù Phúc, xã Thuận Lạc, tổng Thuần Trung, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Duy Huệ (cố đồ Song) – là một người thông thạo chữ Hán, thân mẫu là Nguyễn Thị Cầu, người Hội Tâm, nay là xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Thuở nhỏ ông được gia đình nuôi dưỡng, cho ăn học đầy đủ, lớn lên cho thành thân với bà người họ Nguyễn Sỹ, tên Nguyễn Thi Tao tại thôn Đa Văn, nay là xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương.
         Một số đóng góp của Nguyễn Duy Mân với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 như sau:
Tháng 9/1929 Ông Nguyễn Phong Sắc, ủy viên Trung ương của Đông dương cộng sản Đảng phụ trách Trung Kì về Anh Sơn triệu tập hội nghị thành lập chi bộ Đông dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Dương Xuân gồm có 7 người: Bùi Thừa, Hoàng Khắc Đại, Phan Hoàng Tiêm, Phan Thái Ất, Hồ Sĩ Viện, Nguyễn Hữu Đức, Trần Hữu Thiều. Sau khi thành lập ông Phan Thái Ất được cử làm bí thư chi bộ.
Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ (Ở Đa Văn- Xuân Sơn) một trong những nơi thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Anh Sơn (Tháng 9/1929).
Cuối tháng 3/1930, Phủ ủy Anh Sơn được thành lập. Trong một thời gian ngắn phủ ủy đã thành lập các ban chấp hành liên chi ở các tổng:
+Tổng Đô Lương do ông Hoàng Trần Liễn (Đặng Sơn) làm bí thư.
+ Tổng Đặng Sơn do ông Nguyễn Văn Tuy làm bí thư.
+ Tổng Thuần Trung do ông Nguyễn Duy Mân (Lạc Sơn) làm bí thư.
+ Tổng Bạch Hà do ông Nguyễn Công Vỹ (Thái Sơn) làm bí thư.
Từ đó phong trào cách mạng ở Đô Lương phát triển mạnh mẽ.
Một số phong trào nổi bật ở thời kì này tại Đô Lương như sau:
+Ngày 1/6/1930 từng đoàn người ở các làng Văn Khuê, Đào Mỹ sang hợp với đoàn từ Cự Đại, Lưu Mĩ lên thành dòng người đông nghịt kéo về Lễ Nghĩa rồi tập trung về truông Cồn Đọi (Đà Sơn), tập kết kéo về phủ đường.
+ Ngày 8/9/1930 nhân dân các tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Đặng Sơn biểu tình ở Truông Cồn Đọi. Ông Nguyễn Duy Mân là người tổ chức cho nhân dân biểu tình thị uy. Thực dân Pháp hoảng sợ gọi máy bay tới ném bom làm 7 người bị chết và nghiều người bị thương. Máy bay tiếp tục bay về vùng Bạch Ngọc ném bom xuống đoàn biểu tình đang tập trung ở Hói Quai, làm 2 người bị chết, một số bị thương.
Đình Lương Sơn, di tích lịch sử - Văn hóa (xã Bắc Sơn) nơi kẻ thù xử bắn 7 chiến sĩ Xô Viết ngày 25 và 28/4/1931.
Mùa thu năm 1930, phủ uỷ Anh Sơn cử Nguyễn Duy Mân, Tôn Thị Quế và Nguyễn Văn Tràng bắt liên lạc với nhóm thanh niên của Nguyễn Đăng Tợi (ở Văn Tràng) trở thành nơi liên lạc, hội họp của phủ uỷ.
Ngày 5-11-1930, tại chùa Thẻ Cách, xứ Trại Đền, ông Nguyễn Duy Mân thay mặt phủ uỷ Anh Sơn đọc quyết định thành lập chi bộ Đảng cộng sản xã Văn Tràng, chi bộ có 9 người do ông Nguyễn Đăng Tợi làm bí thư.
Giữa năm 1931, phong trào xô viết bị khủng bố dữ dội, Nguyễn Duy Mân bị bắt và giam trong nhà tù đế quốc.
Sau đó ông được trả tự do, nhưng lại mắc bệnh lao, sức khoẻ giảm nhưng ông vẫn cống hiến sức lực cho công cuộc cách mạng của dân tộc.
Ông mất vào tháng 9 năm Kỷ Sửu (1949).
Năm 2001, Ông Nguyễn Duy Mân được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thưởng Huân chương Độc lập – hạng 3 vì những đóng góp cho cách mạng Việt Nam.
Một số hiện vật ông dùng trong thời kì tham gia Phủ uỷ Anh Sơn của Nguyễn Duy Mân đã được Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sưu tầm và trưng bày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét